Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2023

05 hạn chế của pháp luật liên quan đến việc phát triển công ty luật Việt Nam

 Các quy định của Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn hiện hành chỉ cho phép những cá nhân luật sư nào có giấy phép hành nghề mới có thể trở thành luật sư thành viên của một công ty luật Việt Nam. Do đó, mặc dù Luật Luật sư cho phép các công ty luật Việt Nam có thể sáp nhập, hợp nhất, chia, tách với nhau tương tự như các doanh nghiệp dân doanh hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng sau khi các công ty luật Việt Nam trải qua quá trình tái cấu trúc đó, các thành viên của công ty luật sau khi tái cấu trúc vẫn phải là các cá nhân luật sư chứ không thể là pháp nhân cho dù pháp nhân đó có thể cũng là một công ty luật chứ không phải là một pháp nhân thương mại, sản xuất, hay dịch vụ nào khác.

Bên cạnh đó, các công ty luật Việt Nam cũng không được phép được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần như các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, để thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài thông qua việc mua cổ phần hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán. Ngoài ra, một luật sư cũng chỉ được phép thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư mà thôi.

Không dừng lại ở đó, cũng chưa tìm thấy hành lang pháp lý nào trong Luật Luật sư cho phép các công ty luật Việt Nam với tư cách pháp nhân của mình có thể thành lập doanh nghiệp mới theo Luật Doanh nghiệp hay mua lại vốn hoặc nhận chuyển nhượng cổ phần từ các công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp hay Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.  

Vì vậy, mặc dù một trong những loại hình hoạt động của công ty luật là công ty luật trách nhiệm hữu hạn với tính chất hữu hạn trách nhiệm của nó, luật sư cũng không thể thành lập cùng lúc nhiều công ty luật, bao gồm cả việc thành lập công ty luật ở nước ngoài theo pháp luật của nước ngoài.

Nguyên nhân của những hạn chế trên chắc là do cộng đồng, xã hội và Nhà nước tất cả đều kỳ vọng luật sư là một nghề giúp giảm bớt nỗi đau của người dân, doanh nghiệp, bảo vệ công lý, lẽ phải và trật tự xã hội. Vì vậy, quy định của pháp luật yêu cầu những người làm nghề này phải có tính cẩn trọng cao trong công việc, trực tiếp đầu tư và hoạt động cũng như không được lợi dụng nghề nghiệp đặc thù của mình để làm giàu trên nỗi đau của những cá nhân và pháp nhân khác. Bên cạnh đó, những quy định này cũng có thể nhằm mục đích đảm bảo tính đối nhân của nghề luật sư và phòng ngừa việc một số luật sư cố ý lợi dụng nghề nghiệp này để cung cấp dịch vụ số lượng nhiều hàng loạt với chất lượng thấp nhằm trục lợi trên nỗi đau của người khác.

Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng các quy định của Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn hiện hành như trên đã vô hình trung tạo ra những hạn chế đáng kể đối với sự phát triển của các công ty luật tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng và nhanh chóng.

Hạn chế đầu tiên có thể kể đến là pháp nhân trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào đều không thể trở thành thành viên của công ty luật Việt Nam, dẫn đến việc các quỹ đầu tư trong và ngoài nước không thể tham gia góp vốn, mua cổ phần thông qua việc cung cấp tiền mặt, công nghệ và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại tiên tiến cho các công ty luật Việt Nam. Đồng thời, các công ty luật Việt Nam cũng không thể chuyển nhượng vốn cho các công ty luật Việt Nam khác, dù họ có hoạt động trong cùng lĩnh vực hoặc không, vì cả hai đều là pháp nhân.

Hạn chế thứ hai là các luật sư thành viên của công ty luật Việt Nam không được phép thành lập công ty luật ở các quốc gia tiên tiến như Singapore hay Hong Kong, là các trung tâm kết nối của khu vực rồi sau đó quay lại Việt Nam để mua vốn của chính công ty luật Việt Nam của họ, nhằm tạo ra một công ty luật đa quốc gia với nhiều chi nhánh và công ty con trên khắp khu vực và thế giới tương tự như mô hình phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ, nhằm nhanh chóng mở rộng thương hiệu của mình.

Hạn chế thứ ba đó là do các thành viên của công ty luật Việt Nam phải là luật sư nên các công ty luật Việt Nam không thể huy động số vốn lớn từ các nhà đầu tư bên ngoài để phát triển kinh doanh nhanh chóng. Đồng thời, họ cũng khó vay được vốn trung hay dài hạn từ các ngân hàng thương mại do công ty luật Việt Nam không có tài sản có giá trị để thế chấp.

Hạn chế thứ tư đó là các công ty luật Việt Nam không buộc phải đăng ký doanh nghiệp thông qua các cơ quan đăng ký kinh doanh ví dụ như Sở kế hoạch đầu tư các tỉnh, thành phố. Điều này dẫn đến tính huống vốn điều lệ trong các công ty luật Việt Nam không bắt buộc phải có như yêu cầu đối với các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Thay vào đó, các thành viên trong công ty luật Việt Nam sẽ phải tự thỏa thuận với nhau về số vốn góp và cách phân chia lợi nhuận, và đưa nội dung này vào điều lệ của công ty luật hoặc vào các thỏa thuận riêng của các bên.  Tuy nhiên, điều này có thể tạo ra khó khăn khi một luật sư thành viên nào đó muốn rời khỏi công ty vì bất kỳ lý do gì hoặc đến tuổi nghỉ hưu hoặc thậm chí là chết đi, nhưng các luật sư thành viên khác không đồng ý mua lại phần vốn góp của người đó hoặc không chấp nhận cho luật sư thành viên đó bán phần vốn góp của mình cho một luật sư khác bên ngoài. Điều này sẽ đặt các công ty luật Việt Nam vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không thể tiến lên được và cũng không thể lùi lại được.

Hạn chế thứ năm là các công ty luật Việt Nam cũng không thể tạo ra cho mình một hệ sinh thái riêng, đó là các công ty dịch vụ vệ tinh chuyên cung cấp các dịch vụ có tính chất bổ trợ cho dịch vụ pháp lý ví dụ như các công ty cung cấp dịch các dịch vụ kiểm toán, kế toán, thừa phát lại, công chứng, định giá tài sản v.v… bằng cách thành lập mới doanh nghiệp hoặc mua lại phần vốn góp hay nhận chuyển nhượng cổ phần trong các công ty hiện hữu đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp do Luật Luật sư chưa quy định về cơ chế này.

Với những hạn chế về mặt pháp lý như được nêu ở trên, việc xây dựng các tập đoàn luật sư Việt Nam sẽ khó có thể xảy ra trong tương lai gần.  Hy vọng rằng khi Luật Luật sư được Quốc hội điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới, những hạn chế nêu trên sẽ được xem xét gỡ bỏ, giảm bớt hoặc tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy các công ty luật Việt Nam có điều kiện phát triển nhanh chóng để trở thành những công ty đa quốc gia tầm cỡ trong khu vực. 

Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Nếu bạn muốn tìm đọc quyển sách Khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi (tái bản lần hai mới nhất), xin vui lòng theo đường dẫn này để được hướng dẫn đăng ký mua https://huongdankhoinghiepvoingheluatsu.com/ . Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình.  

Doanh nghiệp trốn đóng BHXH: Từ vi phạm hành chính đến trách nhiệm hình sự

                      Nguyễn Hoàng Giang, Đào Thị Trúc Vi & Luật sư Nguyễn Hữu Phước Dưới tác động tiêu cực của khủng hoảng và suy tho...