Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2023

Quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát trên phương tiện giao thông cá nhân – nên hay không nên?

 

Quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát trên phương tiện giao thông cá nhân – nên hay không nên?

(Bùi Quang Tuấn & Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phuoc & Partners) 

Vừa qua, Bộ Công an đã tiến hành lấy ý kiến về Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (lần 4). Tại dự thảo này, không khó để nhận thấy một nội dung mới có tác động trực tiếp đến đại bộ phận người dân chính là quy định về việc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe (camera) trên phương tiện cơ giới, bao gồm cả phương tiện cá nhân. Cụ thể, Bộ Công an đề xuất xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông cần có thiết bị giám sát hành trình và camera hành trình. Tuy nhiên, nội dung này đang có nhiều ý kiến trái chiều vì những lo ngại về tính khả thi và sự ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người tham gia giao thông.  

Chức năng và đặc điểm của thiết bị giám sát và camera trên phương tiện giao thông đường bộ

Trước hết, cần có sự phân biệt giữa thiết bị giám sát và camera hành trình bởi lẽ đây là hai thiết bị độc lập, có công dụng và tính năng hoàn toàn khác nhau. Tuy không được định nghĩa một cách chính thức trong văn bản pháp luật, dựa trên tính năng và đặc điểm, có thể hiểu rằng thiết bị giám sát hành trình (hay còn được biết đến là “hộp đen”) thường được sản xuất dưới dạng hộp vuông hoặc chữ nhật, có khả năng kết nối internet, được gắn vào như môt bộ phận của xe ô tô. Thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi lại và lưu trữ âm thanh, hình ảnh khi ô tô di chuyển hoặc ngay cả khi dừng đỗ và sẽ cung cấp những thông tin quan trọng như lộ trình, tốc độ, vị trí của phương tiện và một số thông tin khác tùy thuộc vào công nghệ được tích hợp[1]. Mặt khác, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe là một dạng camera được gắn bên trong cabin ô tô, hiển thị toàn bộ hình ảnh của người lái xe và các hành khách đang ngồi bên trong xe.

Với các tính năng được mô tả như thế, hai loại thiết bị này được nhiều chủ sở hữu phương tiện trang bị trên xe ô tô của mình bởi tính ứng dụng cao của chúng. Thứ nhất, trang bị này giúp lái xe dễ dàng hơn trong việc quan sát, tránh được những tình huống bất ngờ, di chuyển qua các cung đường chật hẹp, tránh bị hạn chế tầm nhìn khi ngồi trong buồng lái. Thứ hai, các thiết bị này có thể được kích hoạt chức năng gửi hình ảnh và định vị về điện thoại hoặc máy tính của chủ phương tiện, việc này giúp chủ phương tiện theo dõi được lộ trình khi cho người khác sử dụng xe, đề phòng rủi ro bị mất trộm, hay có dữ liệu, hình ảnh để chứng minh trong những tình huống xảy ra tranh cãi khi tham gia giao thông bị va quẹt. Thứ ba, đây là công cụ giúp người dân cung cấp hình ảnh ghi được từ camera hành trình của xe mình và gửi lên cơ quan công an có thẩm quyền nhằm phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông.

Quy định hiện hành về việc lắp đặt thiết bị giám sát và camera trên phương tiện giao thông đường bộ

Hiện nay, quy định bắt buộc trang bị thiết bị giám sát và camera hành trình chỉ mới được áp dụng cho các loại xe vận tải chở người từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe tải chở hàng từ ngày 01/7/2023. Trong đó, thời gian lưu trữ trên thiết bị tối thiểu là 24 giờ với xe có hành trình đến 500 km và tối thiểu là 72 giờ với cự ly trên 500 km. Quy định này bắt nguồn từ việc ngành giao thông đang phải đối mặt với những thách thức trong việc quản lý hoạt động của các loại hình vận tải như xe ghép, xe đi chung và xe trung chuyển. Tuy nhiên, theo các cơ quan quản lý nhà nước, một số xe cá nhân đã tổ chức chở khách liên tỉnh, tạo ra hỗn loạn trong ngành kinh doanh vận tải và gây áp lực lên các đơn vị kinh doanh vận tải khác như taxi và xe chở khách tuyến cố định. Những xe dịch vụ này, hoạt động dưới danh nghĩa xe cá nhân, không đăng ký kinh doanh vận tải và không thay đổi biển số màu vàng, do đó gây ra khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra và xử lý các vi phạm có liên quan.

Do đó, tại điểm c, Khoản 1, Điều 33 Dự thảo lần thứ 4 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã đề xuất nội dung về việc xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông cần có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe[2]. Nếu quy định mới được thông qua, đối tượng áp dụng sẽ rộng hơn, bao gồm toàn bộ xe cá nhân chở người đến 9 chỗ ngồi, máy kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, xe mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Đề xuất này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều mà trong đó nổi bật là vấn đề quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Nếu quy định lắp thiết bị giám sát, thu thập dữ liệu, hình ảnh của người lái xe, tức là camera giám sát bên trong xe thì điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư của cá nhân và lo ngại những hình ảnh nhạy cảm, vị trí, lịch trình di chuyển bị lộ, lọt ra bên ngoài và gây ra những hậu quả không đáng có.

Nhìn ra thế giới, quy định bắt buộc trang bị thiết bị giám sát và camera hành trình được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản và đã có những hướng tiếp cận nhất định. Tại Anh, Luật giám sát hành trình (UK Vehicle Tracking Laws) không chỉ dựa trên các luật cơ bản giống như Việt Nam như Luật Giao thông đường bộ, mà chủ yếu được dựa trên Đạo luật bảo vệ dữ liệu 1998, Đạo luật nhân quyền 1998, Đạo luật Bảo vệ khỏi sự Quấy rối 1997, Quy định về Đạo luật Quyền hạn Điều tra 2000 và cả Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của EU (General Data Protection Regulation – GDPR)[3]. Bởi vì camera giám sát hành trình liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân, các quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân thế nên việc lắp đặt camera quan sát hành trình hiện chỉ được áp dụng cho việc kiểm soát người lao động của các doanh nghiệp, tuy nhiên phải đảm bảo được các quyền cơ bản của người lao động . Tương tự, ở Hoa Kỳ, việc lắp đặt thiết bị giám sát và theo dõi vị trí là bất hợp pháp tại một số bang, và ở một số bang khác thì việc lắp đặt camera hành trình chỉ được thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt[4]. Còn tại Ấn Độ, Bộ Giao thông Đường bộ và Đường cao tốc (MoRTH) chỉ quy định tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm phải trang bị thiết bị theo dõi vị trí[5].

Tác động của quy định bắt buộc lắp đặt camera trên phương tiện giao thông cá nhân

Thứ nhất, vấn đề dễ nhận thấy nhất khi Dự thảo này được thông qua là tác động đến tính kinh tế của chủ sở hữu phương tiện. Hiện nay, có nhiều loại sản phẩm giám sát hành trình và camera trên thị trường với giá dao động từ 1-3 triệu đồng/bộ. Kèm theo công lắp đặt, chủ sở hữu phương tiện cá nhân có thể phải bỏ ra thêm từ 3,5 đến 4 triệu đồng (ngoài tiền mua xe) để tuân thủ quy định trên. Với một số loại sản phẩm tích hợp phần mềm quản lý, truyền dữ liệu, lưu trữ đám mây, người dùng có thể phải trả thêm chi phí sử dụng hàng tháng. Những chi phí này được nhiều người cho rằng là không cần thiết và tốn kém khi chủ sở hữu phương tiện vốn đã phải chi trả một khoản tiền lớn để duy trì việc sử dụng xe thường xuyên. Hơn nữa, khi quy định bắt buộc phải gắn các thiết bị phụ trợ, các nhóm lợi ích sẽ theo đó có thể hình thành để chuyên cung cấp các thiết bị này. Những showroom ô tô cũng có thể câu kết với các đại lý cung cấp thiết bị giám sát và camera để đẩy giá sản phẩm lên cao và người sử dụng sẽ luôn là đối tượng phải gánh chịu sau cùng.

Thứ hai, không phải bất kỳ loại xe nào đang lưu hành trên thị trường cũng có thể lắp đặt các thiết bị nói trên. Đối với những phương tiện cũ, việc lắp đặt thiết bị giám sát và camera hành trình có thể gây ảnh hưởng đến các mạch điện tử, làm phát sinh nguy cơ mất an toàn. Từ đây phát sinh thêm vấn đề về đăng kiểm với một câu hỏi quan trọng đặt ra là can thiệp và lắp đặt các thiết bị trên như thế nào để có thể đảm bảo an toàn và được phép lưu thông.

Thứ ba và cũng có lẽ là vấn đề “nóng” nhất, đó chính là những lo ngại về quyền riêng tư và vấn đề xử lý dữ liệu cá nhân. Với việc Nghị định 13/2023/NĐ-CP được ban hành, dữ liệu cá nhân đã được định nghĩa cụ thể và phần nào có cơ chế để thu thập và xử lý mà không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu. Xét đến trường hợp lắp đặt thiết bị giám sát và camera hành trình ghi lại hình ảnh trong buồng lái, các thông tin thuộc dữ liệu nhạy cảm[6] sẽ được thu thập và lưu trữ. Tuy nhiên, tại Dự thảo lần 4 này, nhà làm luật chưa đưa ra trình tự cụ thể để thu thập, xử lý dữ liệu của chủ phương tiện cũng như các trường hợp nào thì được phép thu thập và xử lý. Hơn nữa, việc thiếu quy định còn có thể dẫn đến sự lạm dụng và xâm phạm thông tin cá nhân bất hợp pháp từ những cá nhân có mục đích xấu. Nếu chưa thể đưa ra một khung pháp lý chặt chẽ và xây dựng một hệ thống lưu trữ, xử lý dữ liệu cá nhân đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được bảo vệ thì đề xuất trên của Bộ Công an chưa thật sư hợp lý tại thời điểm này.

Phản hồi của Bộ Công an về vấn đề này?

Theo như cập nhật mới nhất, đại diện Cục Cảnh sát giao thông đã đính chính trên báo rằng "đây không phải bắt buộc mà lực lượng chức năng chỉ khuyến khích người dân tự lắp camera hành trình trên ô tô cá nhân để bảo vệ mình trong các tình huống mất an toàn giao thông"[7].

Như vậy, có thể nhận thấy Bộ Công an và các cơ quan Nhà nước liên quan cũng đã có sự lắng nghe ý kiến của hàng triệu người dân – những đối tượng đang tham gia giao thông hàng ngày và chịu tác động trực tiếp khi Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023 tới. Việc quy định bắt buộc camera trên phương tiện giao thông cá nhân như câu chữ trong Dự thảo hiện nay là chưa hợp lý và thiếu tính khả thi. Do đó, nhà làm luật cần nêu được chính xác và cụ thể trong văn bản luật chính thức rằng quy định lắp đặt thiết bị giám sát và camera trên phương tiện cá nhân là không bắt buộc và chủ phương tiện được khuyến khích thực hiện nhằm bảo vệ tốt nhất sự an toàn của họ khi tham gia giao thông.

 

 

 

 



[2] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-119230710154209581.htm

[3] “United Kingdom Laws on GPS Tracking”, Rewire Security, 08/02/2019 https://www.rewiresecurity.co.uk/blog/the-united-kingdom-gps-tracking-laws. Truy cập 24/09/2023.

[4] Dryjowicz, Alex. “A comprehensive guide to GPS tracking laws by state.” FreightWaves Ratings, 28/02/2023, https://ratings.freightwaves.com/gps-tracking-laws/. Truy cập 25/09/2023.

[5] “Location tracking device mandatory for vehicles used for carrying hazardous goods.” ET Government, 23 August 2022, https://government.economictimes.indiatimes.com/news/governance/location-tracking-device-mandatory-for-vehicles-used-for-carrying-hazardous-goods/93723097. Accessed 22 September 2023.

[6] Điều 4 Nghị định 13/2023/NĐ-CP

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Giải trình hóa đơn khống: Góc nhìn từ cơ quan thuế và doanh nghiệp

 Nguyễn Thị Thu Thủy & Luật sư Nguyễn Hữu Phước

Tại Công văn 1798/TCT-TTKT về việc rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp (“Công văn 1798”), Tổng cục Thuế đã có yêu cầu doanh nghiệp giải trình làm rõ việc sử dụng hoá đơn khi giao dịch đối với 524 danh nghiệp có rủi ro về hóa đơn. Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh đến thực tế áp dụng Công văn 1798. 

Có tồn tại hành lang pháp lý cho việc giải trình

Mua bán hóa đơn không hợp pháp, hoá đơn khống là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 6.7 Luật Quản lý thuế và có dấu hiệu cấu thành tội trốn thuế, tội mua bán trái phép hóa đơn được quy định trong Bộ luật Hình sự[1]. Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác để xác định các doanh nghiệp có thực hiện hành vi này.

Trước hết, cần xem xét mục tiêu chính của Công văn 1798 là giải pháp mà Tổng cục Thuế thực hiện nhằm đảm bảo rằng các hóa đơn được sử dụng trong giao dịch kinh doanh là hợp pháp và có căn cứ thực tế. Dưới góc độ pháp lý, cơ quan thuế có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và người nộp thuế có nghĩa vụ chấp hành yêu cầu của cơ quan thuế[2].

Có thể thấy rằng lý do Tổng cục Thuế yêu cầu giải trình ở đây là mong muốn các doanh nghiệp hỗ trợ cơ quan thuế trong việc ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm về hoá đơn. Bởi lẽ, trên thực tế, đa phần các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế được thực hiện trên cơ sở liên kết, thông đồng giữa các cá nhân, doanh nghiệp. Do đó, yêu cầu của Tổng cục Thuế là có cơ sở, giúp ngăn chặn và không để bỏ sót tội phạm hình sự.

Công văn “đẩy khó cho doanh nghiệp”?

Nhiều doanh nghiệp đang phải giải trình rất khó khăn với cơ quan thuế dù có mua hàng và được bên bán xuất hóa đơn mua hàng hợp lệ tại thời điểm đó, nhưng lúc quyết toán thì doanh nghiệp bán hàng không kê khai thuế hoặc nay đã bỏ trốn, ngừng kinh doanh.

Yêu cầu giải trình từ các cơ quan thuế  đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp khi họ phải kiểm tra và xác minh tình trạng hóa đơn của đối tác kinh doanh. Các khó khăn có thể kể đến như: (i) doanh nghiệp mua hàng không thể kiểm soát tình hình hoạt động của doanh nghiệp bán hàng vì lúc giao dịch, doanh nghiệp bán hàng vẫn còn đang hoạt động; (ii) doanh nghiệp không chủ động kiểm tra được tính hợp pháp của hoá đơn từ doanh nghiệp bán hàng; (iii) kế toán trưởng/người phụ trách các vấn đề về hóa đơn của doanh nghiệp đã nghỉ việc trong khi người tiền nhiệm không nắm rõ các hóa đơn cũ nên gặp nhiều khó khăn khi giải trình; (iv) doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch trong nhiều năm trước đây, khó tìm kiếm hợp đồng, hóa đơn, chứng từ thanh toán.

Mặt khác, một trong những vấn đề khiến doanh nghiệp thắc mắc là pháp luật hình sự của Việt Nam đã có các quy định về tội trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra các tội phạm hình sự. Do đó, câu hỏi đặt ra là tại sao cơ quan thuế lại cần thiết yêu cầu các doanh nghiệp phải tự giải trình theo yêu cầu của cơ quan thuế? Chính những vấn đề này đã gây ra bức xúc đối với một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp trong thời gian qua.

Doanh nghiệp bị phạt là đúng hay sai?

Trong tình huống trên, doanh nghiệp mua hàng sẽ không bị phạt và vẫn có thể hạch toán hoá đơn vào chi phí nếu doanh nghiệp thực tế có mua hàng và được xuất hoá đơn hợp pháp trước thời điểm doanh nghiệp bán hàng bị cơ quan thuế xác định là doanh nghiệp bỏ trốn hoặc trước ngày cơ quan nhà nước kết luận đó là hoá đơn không hợp pháp[3].

Ngược lại, doanh nghiệp mua hàng sẽ bị phạt nếu có hành vi (i) khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu; hoặc (ii) trốn thuế. Ví dụ, bên mua hàng sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định thì bên mua vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính[4].

Dưới góc nhìn của người chủ doanh nghiệp, việc xử phạt doanh nghiệp có thể xem là không hợp lý nếu doanh nghiệp có hợp đồng mua bán, chứng từ thanh toán hợp lệ liên quan đến việc ghi nhận chi phí được trừ và chứng minh doanh nghiệp có thực chất mua hàng từ doanh nghiệp bán hàng.

Trong khi đó, dưới góc nhìn và quan điểm của cơ quan thuế, các tội phạm về thuế và hóa đơn đa phần mang tính chất thông đồng. Do đó, doanh nghiệp vẫn sẽ bị xử phạt nếu thuộc các trường hợp luật định.

Giải pháp nào cho cơ quan thuế và doanh nghiệp?

Các vụ án liên quan đến mua, bán hóa đơn không hợp pháp ngày càng trở nên phức tạp hơn, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có nhiều chiêu thức tinh vi. Cơ quan thuế không thể có một phương án ngắn hạn mà cần thiết phải thực hiện các giải pháp trong dài hạn.

Với mục đích vừa ngăn chặn sai phạm, vừa không đẩy gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp, một số phương án mà cơ quan thuế có thể cân nhắc và chú trọng thực hiện như sau:

  • Thứ nhất, tiếp tục khoanh vùng các doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp trong số 524 danh nghiệp có rủi ro về hóa đơn thay vì yêu cầu doanh nghiệp giải trình các hóa đơn mua hàng của những doanh nghiệp có rủi ro về thuế nói chung.

Cơ quan thuế có thể lập mẫu Cam kết về tính hợp pháp của hoạt động mua bán và cho phép những doanh nghiệp mua hàng hoá có hoá đơn từ 524 doanh nghiệp rủi ro trên được phép lập Cam kết và chịu toàn bộ trách nhiệm đối với tính hợp pháp của giao dịch. Tại các bước hậu thanh tra, kiểm tra định kỳ tại doanh nghiệp, cơ quan thuế sẽ xác minh hồ sơ thực tế của doanh nghiệp, đối chiếu với cam kết của doanh nghiệp để từ đó có quyết định xử lý phù hợp. Cách thức này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí trong quá trình giải trình tại cơ quan thuế;

  • Thứ hai, cơ quan thuế phải liên tục cập nhật danh sách các doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn để có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời cho các doanh nghiệp khác;
  • Thứ ba, cơ quan thuế cần phải có bước xác định thời điểm ghi nhận hoá đơn đầu vào của doanh nghiệp. Nếu tại thời điểm mua hàng, doanh nghiệp bán hàng vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường và doanh nghiệp mua hàng có hóa đơn, chứng từ đúng theo quy định pháp luật thì được hạch toán vào chi phí được trừ. Cơ quan thuế cần tập trung kiểm tra các nội dung liên quan đến tính hợp pháp và xác thực của giao dịch trước khi quyết định xử lý vi phạm (nếu có);
  • Thứ tư, cơ quan thuế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng hóa đơn tại doanh nghiệp trên cơ sở hằng năm, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp, thanh quyết toán để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; và
  • Thứ năm, cơ quan thuế cần tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại để liệt kê các công ty có dấu hiệu vi phạm về thuế, hóa đơn, đơn cử như các công ty mới thành lập, vốn ít, quy mô nhỏ nhưng giao dịch lớn thì cần đưa vào diện kiểm soát.

Về phía doanh nghiệp, một số biện pháp sau đây có thể giúp doanh nghiệp tránh trường hợp liên quan đến việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp:

  • Thứ nhất, doanh nghiệp cần tìm hiểu, xác minh thật kỹ thông tin về doanh nghiệp bán hàng bằng các kiểm tra trên Cổng thông tin đăng ký kinh doanh, thông tin người nộp thuế, website doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp bán hàng gửi hồ sơ (profile) để kiểm tra lịch sử kinh doanh. Trường hợp có thể, doanh nghiệp nên trực tiếp đến địa điểm kinh doanh của nhà cung cấp trước khi quyết định giao dịch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên cập nhật danh sách các doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc có rủi ro về hóa đơn theo thông báo của cơ quan thuế;
  • Thứ hai, doanh nghiệp cần lưu trữ đầy đủ tất cả các tài liệu liên quan (hợp đồng mua bán, chứng từ thanh toán, phiếu xuất kho, phiếu nhập kho, biên bản giao nhận hàng hóa, biên bản thanh lý hợp đồng, v.v.) để chứng minh tính xác thực của giao dịch khi cơ quan thuế có yêu cầu giải trình;
  • Thứ ba, doanh nghiệp bán hàng phải liên tục cập nhật danh sách các doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn được cập nhật bởi cơ quan thuế để tránh giao dịch với các doanh nghiệp này; và
  • Thứ tư, để tăng tính răn đe, doanh nghiệp có thể thoả thuận tại hợp đồng mua bán về cam kết và nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ rằng doanh nghiệp đó đang sử dụng hoá đơn hợp pháp và không vi phạm các quy định về hóa đơn, thuế. Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận trong trường hợp doanh nghiệp bán hàng có vi phạm về thuế, hóa đơn thì phải chịu phạt vi phạm đối với doanh nghiệp mua hàng. Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm[5].

Với tình hình hiện tại và các vướng mắc khi thực hiện Công văn 1798, Tổng cục Thuế và các cơ quan thuế địa phương có thể sẽ cung cấp hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể hơn cho các doanh nghiệp, giúp họ giải trình một cách hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của cơ quan thuế.


[1] Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015

[2] Điều 17.8 và 19.2 Luật Quản lý thuế 2019

[3] Điều 3.9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP

[4] Điều 142 Luật Quản lý thuế 2019 và Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP

[5] Điều 301 Luật Thương mại 2005

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2023

Dùng quyết định bãi nhiệm để chấm dứt mối quan hệ lao động với người quản lý doanh nghiệp, liệu có hợp pháp và an toàn?


Luật sư Trương Thị Hiền, Lê Thị Minh Thư và Luật sư Nguyễn Hữu Phước[1]

 

Theo pháp luật lao động, người sử dụng lao động là doanh nghiệp, không phải là bất kỳ cá nhân nào của doanh nghiệp đó, bất kể cá nhân đó giữ vị trí công việc nào trong doanh nghiệp,. Vậy những người quản lý doanh nghiệp, bao gồm cả người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, có được xem là người lao động của doanh nghiệp hay không, và nếu họ là người lao động của doanh nghiệp, việc chấm dứt hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) với họ sẽ như thế nào?

Gần đây, một số tờ báo đồng loạt đưa tin về việc vụ án đơn phương chấm dứt HĐLĐ giữa ông NTT, cựu Tổng Giám đốc Công ty Pacific Gas, và Công ty Pacific Gas, sẽ được đưa ra xét xử phúc phẩm vào đầu tháng 7/2023 (hiện lịch xét xử này tiếp tục bị tạm hoãn lần 2). Theo bản án sơ thẩm được tuyên vào tháng 1/2023, ông NTT và Pacific Gas có ký HĐLĐ xác định thời hạn nhưng sau đó, Hội đồng quản trị Công ty Pacific Gas (“HĐQT”) đã bãi nhiệm và chấm dứt HĐLĐ với ông NTT. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm xác định rằng việc chấm dứt HĐLĐ với ông NTT của Pacific Gas là trái pháp luật.

Từ thông tin trên, cộng đồng những người làm công tác nhân sự và nhiều luật sư đang hành nghề lại tiếp tục bàn tán sôi nổi về một vấn đề pháp lý tuy khá quen thuộc nhưng lại chưa có lời giải đáp chính xác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đó là việc người quản lý cấp cao làm việc cho doanh nghiệp theo cơ chế bầu hoặc bổ nhiệm/chỉ định, như Thành viên/Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Thành viên/Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng Giám đốc (sau đây gọi chung là “Người Quản Lý”), có phải là người lao động của doanh nghiệp hay không, và việc bãi nhiệm, chấm dứt HĐLĐ nếu có với Người Quản Lý sau khi bị bãi nhiệm tiềm ẩn những rủi ro pháp lý gì cho doanh nghiệp.

Người Quản Lý có phải là người lao động không?

Theo Luật Doanh nghiệp 2020 (“LDN”), Người Quản Lý được hiểu là các cá nhân nắm các vị trí nhất định do được bầu hoặc được bổ nhiệm/chỉ định. Trong khi đó, theo Bộ luật lao động 2019 (“BLLĐ”), mối quan hệ lao động lại được xác lập thông qua việc tuyển dụng và giao kết HĐLĐ . Như vậy, nếu đồng thời xem xét vị trí của Người Quản Lý trong doanh nghiệp theo LDN và BLLĐ, Người Quản Lý, mặc dù được bầu hoặc bổ nhiệm vào một vị trí quản lý nào đó và đang làm việc cho doanh nghiệp, không đương nhiên có mối quan hệ lao động với doanh nghiệp. Việc xác lập mối quan hệ lao động, nếu có, giữa Người Quản Lý và doanh nghiệp phải được căn cứ vào BLLĐ. Tương tự, mặc dù Người Quản Lý có thể bị bãi nhiệm hoặc miễn nhiệm theo LDN nhưng việc bãi nhiệm, miễn nhiệm này không tự động làm chấm dứt mối quan hệ lao động, nếu có, giữa Người Quản Lý và doanh nghiệp.

Theo BLLĐ, người lao động được định nghĩa là “người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động”[2]. Nếu cho rằng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người đại diện cho người sử dụng lao động, là người “quản lý, điều hành, giám sát” người lao động thì rõ ràng Người Quản Lý không chịu sự “quản lý, điều hành, giám sát” của người sử dụng lao động.

 

Người Quản Lý, tuỳ vào chức vụ của mình, có các quyền và nghĩa vụ theo LDN, có thể bị quản lý, điều hành, giám sát theo một cơ chế khác chứ không phải là từ người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo cách hiểu của BLLĐ. Nếu căn cứ theo định nghĩa về người lao động nêu trên, rõ ràng Người Quản Lý sẽ không phù hợp để được xem là người lao động.

Theo LDN, trong số những Người Quản Lý, một số người chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình tại các cuộc họp định kỳ (chẳng hạn như thành viên/chủ tịch của hội đồng thành viên và của hội đồng quản trị) hoặc khi có sự vụ thuộc thẩm quyền (Chủ tịch công ty), nhưng cũng có Người Quản Lý lại trực tiếp phụ trách việc điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của doanh nghiệp (Giám đốc/Tổng Giám đốc). Trên thực tế, lại có trường hợp những người theo LDN chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình tại các cuộc họp định kỳ hoặc theo sự vụ nhưng trên thực tế lại làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp và được doanh nghiệp trả lương. Theo thực tiễn giải thích và áp dụng pháp luật của các cơ quan quản lý lao động và toà án, Người Quản Lý, nếu làm việc tại doanh nghiệp và được trả lương hàng tháng, sẽ được xem là người lao động, bất kể họ là người có thẩm quyền cao nhất tại doanh nghiệp và không có ai tại doanh nghiệp có quyền “quản lý, điều hành, giám sát” họ.

Việc bãi nhiệm/miễn nhiệm có ý nghĩa gì trong việc chấm dứt mối quan hệ lao động với Người Quản Lý?

Trong vụ việc của ông NTT, HĐQT đã có quyết định bãi nhiệm ông NTT. Trên cơ sở này, Công ty Pacific Gas đã chấm dứt HĐLĐ với ông NTT. Nếu xét theo LDN, HĐQT có quyền “bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Tổng giám đốc[3] và việc bãi nhiệm này không cần phải có lý do. Việc bãi nhiệm sẽ dẫn đến việc ông NTT không còn là Tổng Giám đốc của Pacific Gas theo LDN, nhưng ông NTT vẫn là Tổng Giám đốc theo HĐLĐ đã ký. Nếu xét theo BLLĐ, việc bãi nhiệm này không phải là cơ sở pháp lý để chấm dứt hay tạm hoãn thực hiện HĐLĐ. Ngoài ra, nếu ông NTT không đồng ý với quyết định đó thì Công ty Pacific Gas cũng không thể điều chỉnh chức vụ, phạm vi công việc của ông NTT theo HĐLĐ. Trên lý thuyết, trong tình huống này, Pacific Gas sẽ có đến hai Tổng Giám đốc trong thời gian HĐLĐ của ông NTT vẫn còn hiệu lực.

Dưới góc độ pháp luật doanh nghiệp, doanh nghiệp nói chung có quyền thay đổi chức danh Người Quản Lý bằng cách thực hiện quyền miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm. Tuy nhiên, để điều chỉnh hoặc chấm dứt mối quan hệ lao động với Người Quản Lý, doanh nghiệp có thể gặp phải hai tình huống sau đây:

-      Tình huống thứ nhất: Người Quản Lý có ký một HĐLĐ với doanh nghiệp với chức danh khác không phải là Người Quản Lý. Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm đó chỉ làm cá nhân này không còn là Người Quản Lý nữa, họ sẽ làm việc theo vị trí công việc ghi trong HĐLĐ hay phụ lục HĐLĐ đã ký. Để chấm dứt HĐLĐ với cá nhân này, doanh nghiệp phải tuân thủ các điều kiện và thủ tục chấm dứt HĐLĐ theo quy định của pháp luật lao động; và

-       Tình huống thứ 2: Người Quản Lý có ký một HĐLĐ với doanh nghiệp với chức danh công việc được ghi rõ theo đúng tên gọi chức vụ được bổ nhiệm. Khi đó, việc miễn nhiệm hay bãi nhiệm đó sẽ không làm mất đi chức danh Người Quản Lý trong mối quan hệ lao động với cá nhân này nếu Người Quản Lý không đồng ý điều chỉnh điều khoản về chức danh công việc trong HĐLĐ[4]. Nếu người lao động từ chối, doanh nghiệp và người lao động phải tiếp tục thực hiện theo HĐLĐ đã ký.

Do đó, nếu Người Quản Lý từ chối điều chỉnh chức danh công việc thì người này vẫn tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp với chức danh Người Quản Lý, giống như tình huống của Công ty Pacific Gas nêu trên. Đây là tình huống mà các nhà làm luật khi soạn thảo và thông qua LDN và BLLĐ đã không dự liệu đến. Trong vụ án của ông NTT, phán quyết của toà án có thẩm quyền có thể sẽ không gây nhiều khó khăn cho Công ty Pacific Gas, kể cả khi toà án phán quyết rằng việc chấm dứt HĐLĐ với ông NTT là trái pháp luật, vì thật ra HĐLĐ của ông NTT là hợp đồng xác định thời hạn cho nên mối quan hệ lao động sẽ chấm dứt khi HĐLĐ hết hạn mà hai bên không đồng ý gia hạn. Giả sử đây là HĐLĐ không xác định thời hạn thì chúng tôi không thể hình dung được sự việc này sẽ như thế nào nếu toà án chỉ căn cứ vào pháp luật lao động để yêu cầu Công ty Pacific Gas tiếp tục thực hiện HĐLĐ với ông NTT.

 

Trong tình huống mà doanh nghiệp có đến hai hay nhiều Người Quản Lý có cùng chức danh theo HĐLĐ nhưng chỉ có một người là có thẩm quyền và làm việc trên thực tế, còn (những) người còn lại chỉ là do các bên không thể thống nhất để điều chỉnh hay chấm dứt HĐLĐ, doanh nghiệp không chỉ gánh chịu các chi phí không cần thiết để duy trì các HĐLĐ đó mà còn có thể gặp rủi ro bị Người Quản Lý khiếu nại, tố cáo hoặc thậm chí khởi kiện doanh nghiệp ra các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với lý do bị phân biệt đối xử hoặc do quyền làm việc của mình không được bảo đảm theo HĐLĐ. Chuyện thắng, thua rất khó để phân định trong trường hợp này vì nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm giải quyết hay xét xử của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trước mắt, doanh nghiệp phải dành thời gian, nhân lực và nguồn tài chính không hề nhỏ để giải quyết và theo đuổi vụ kiện. Như trong trường hợp của Công ty Pacific Gas, vụ án đã được thụ lý từ năm 2021 nhưng mãi đến năm 2023 mới được đưa ra xét xử sơ thẩm.

Giải pháp nào để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp trong các tình huống trên?

Theo ý kiến của người viết, để giải quyết triệt để vấn đề này, pháp luật, cụ thể ở đây là pháp luật về lao động, cần được sửa đổi và có những quy định phù hợp hơn để tránh xung đột pháp luật giữa LDN và BLLĐ, giữa doanh nghiệp và Người Quản Lý. Cần có quy định rõ ràng để xác định ai trong số Người Quản Lý là người lao động của doanh nghiệp, và việc xác lập và chấm dứt mối quan hệ lao động với Người Quản Lý được bầu, bổ nhiệm hay chỉ định để thực hiện các quyền của chủ doanh nghiệp trong doanh nghiệp và để quản lý doanh nghiệp phải khác với những người lao động còn lại. Có như vậy thì mới có thể hạn chế được việc tranh chấp phát sinh và cân bằng quyền và lợi ích giữa các bên.

Trong khi pháp luật chưa được sửa đổi, các doanh nghiệp cần phải hết sức thận trọng khi bãi nhiệm và chấm dứt HĐLĐ với Người Quản Lý. Việc chấm dứt HĐLĐ với Người Quản Lý, nếu chỉ dựa vào quyết định bãi nhiệm được chủ doanh nghiệp ban hành theo LDN mà không căn cứ vào BLLĐ, sẽ rất rủi ro cho doanh nghiệp. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, phương án an toàn và khả thi nhất là doanh nghiệp và Người Quản Lý sẽ cùng nhau thương lượng để chấm dứt HĐLĐ. Chi phí để thuyết phục Người Quản Lý đồng ý chấm dứt HĐLĐ có thể cao, nhưng nếu để tranh chấp phát sinh thì chi phí giải quyết tranh chấp có thể còn cao hơn nhiều lần.



[1] Công ty Luật TNHH Phước và Các Cộng Sự

[2] Điều 3.1 BLLĐ

[3] Điều 153.2.i LDN

[4] Điều 33 BLLĐ

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2023

Thiết kế danh thiếp luật sư sao cho đẹp và chuyên nghiệp

 Danh thiếp của luật sư và nhân viên công ty luật của bạn là đại diện cho chính những luật sư và nhân viên cũng như của công ty luật của bạn. Nó đòi hỏi hiển thị về thông tin cơ bản của luật sư và nhân viên cũng như chức danh công việc và tên của luật sư và nhân viên được in rõ ràng trên danh thiếp. Thiết kế một danh thiếp đẹp và chuyên nghiệp sẽ mô phỏng được toàn bộ về con người cùng với tính chất công việc đặc thù pháp lý của luật sư và nhân viên và dịch vụ của công ty luật của bạn. Bên cạnh đó, thiết kế danh thiếp đẹp và chuyên nghiệp còn giúp những người nhận danh thiếp đó chẳng hạn như khách hàng ấn tượng hơn, dễ nhớ hơn về luật sư và nhân viên và công ty luật của bạn và đây có thể nói là một trong các công cụ quảng bá dịch vụ và công ty luật của bạn theo cách tốt nhất.

Khi thiết kế và in danh thiếp, bạn cần chú ý đến những thông tin quan trọng sau đây để tạo hiệu quả tốt nhất: logo thương hiệu công ty luật, tên công ty luật, dòng giới thiệu, tên của luật sư và nhân viên, vị trí công việc và thông tin liên lạc bao gồm số điện thoại di động, email và địa chỉ.

Đầu tiên, hãy đặt logo thương hiệu của công ty luật của bạn lên danh thiếp của luật sư và nhân viên. Logo nên được thiết kế đơn giản để người xem có thể dễ dàng nhận diện thương hiệu của công ty luật của bạn. Bạn cần đảm bảo hình ảnh logo hiển thị một cách sắc nét trên danh thiếp và tỷ lệ của nó phải cân xứng với tổng thể bố cục.

Tiếp theo là tên công ty luật của bạn, nó cần được đặt sao cho nổi bật trên danh thiếp. Tên công ty luật của bạn nên được thiết kế với kích thước và kiểu chữ lớn nhất để làm nổi bật thông tin quan trọng này.

Dòng giới thiệu trên danh thiếp cũng cần được trình bày ngắn gọn trong sáu từ hoặc ít hơn, nhằm miêu tả tính chuyên nghiệp, trung thực và giá trị cốt lõi của công ty luật của bạn.

Ngoài ra, đối với thông tin về tên của luật sư và nhân viên, nó cần được thiết kế sao cho người nhận danh thiếp có thể dễ dàng nhớ được tên của luật sư và nhân viên. Điều này sẽ giúp tăng khả năng liên kết giữa các đối tác với luật sư và nhân viên một cách hiệu quả.

Không dừng lại ở đó, có thể không phải ai cũng nhớ tên của luật sư và nhân viên, nhưng họ có thể nhớ vị trí công việc hoặc lĩnh vực pháp luật mà luật sư và nhân viên đó đang đảm nhiệm tại công ty luật của bạn. Vì vậy, danh thiếp cần cung cấp thông tin này.

Cuối cùng, thông tin liên lạc là một phần không thể thiếu trên danh thiếp, vì nó giúp khách hàng và đối tác dễ dàng tìm thấy công ty luật của bạn. Thông tin liên lạc thường được căn trái, căn phải hoặc căn giữa trên danh thiếp. Nếu bạn muốn ưu tiên thông tin liên lạc luật sư và nhân viên như số điện thoại hoặc email, hãy tăng kích thước hoặc đặt chúng ở vị trí nổi bật

Bên cạnh đó, hãy chú ý đến phông chữ khi thiết kế danh thiếp. Theo các nhà thiết kế chuyên nghiệp, bạn nên sử dụng không quá hai phông chữ trong một tấm danh thiếp. Điều này sẽ giúp giữ cho danh thiếp trông có vẻ gọn gàng và tránh lộn xộn.

Màu sắc của danh thiếp cũng nên phù hợp với màu sắc thương hiệu công ty luật của bạn để tăng cường hiệu quả truyền thông. Hãy sử dụng các màu sắc liên quan đến thương hiệu của công ty luật của bạn để tạo sự nhất quán và nhận diện dễ dàng.

Ngoài ra, để tạo ra một tấm danh thiếp thú vị, bạn hãy thử thêm một số yếu tố sáng tạo. Bạn có thể sử dụng các kỹ thuật thiết kế độc đáo, như các góc bo tròn, các hiệu ứng đổ bóng, hoặc hình nền độc đáo để làm nổi bật danh thiếp của luật sư và nhân viên. Điều quan trọng là danh thiếp của luật sư và nhân viên phải thể hiện được cái nhìn chuyên nghiệp và sáng tạo của công ty luật của bạn.

Cuối cùng, hãy chắc chắn kiểm tra lỗi chính tả và ngữ pháp trước khi in danh thiếp. Một danh thiếp chứa lỗi chính tả hoặc ngữ pháp không chỉ làm mất đi sự chuyên nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín của công ty luật của bạn. Vì vậy, hãy dành thời gian để đảm bảo rằng mọi thông tin trên danh thiếp được viết chính xác và rõ ràng.

Gần đây, trong thời đại phát triển công nghiệp 4.0, sự phát triển vượt bậc của công nghệ đã đem đến danh thiếp kỹ thuật số như một sự thay thế hoàn toàn cho danh thiếp giấy truyền thống. Đặc điểm tiên tiến của danh thiếp kỹ thuật số là nó có khả năng truyền tải thông tin nhanh chóng và dễ dàng lưu trữ. Nó không chỉ đơn thuần là một danh thiếp thông thường, mà còn là một chiếc thẻ đa năng với nhiều ứng dụng hữu ích, đồng thời giúp tiết kiệm tài nguyên và tăng tính nhận diện thương hiệu cho công ty luật của bạn.

Cách thức hoạt động của danh thiếp kỹ thuật số rất đơn giản. Luật sư và nhân viên của công ty luật của bạn chỉ cần đặt danh thiếp kỹ thuật số gần với điện thoại di động của khách hàng hoặc đối tác, và hồ sơ danh thiếp kỹ thuật số của luật sư và nhân viên sẽ được hiển thị trên điện thoại. Khách hàng và đối tác có thể lưu thông tin vào danh bạ của họ, và toàn bộ hồ sơ của luật sư và nhân viên, bao gồm ảnh đại diện, số điện thoại, địa chỉ email, giới thiệu bản thân, tên và dịch vụ của công ty luật của bạn, sẽ được lưu trữ trong danh bạ của họ.

Có nhiều lợi ích thiết thực khi sử dụng danh thiếp kỹ thuật số thay vì danh thiếp truyền thống. Đầu tiên, khi sử dụng danh thiếp giấy, luật sư và nhân viên sẽ không bao giờ biết liệu người nhận danh thiếp có giữ lại hay vứt chúng đi. Với danh thiếp kỹ thuật số, việc này không còn là vấn đề, vì luật sư và nhân viên có thể thu thập số liệu thống kê về cách mọi người tương tác với danh thiếp kỹ thuật số của mình.

Tiếp theo, danh thiếp kỹ thuật số sẽ giúp luật sư và nhân viên nổi bật hơn vì nó tạo ra một trải nghiệm tương tác độc đáo và đáng nhớ cho người nhận. Điều này giúp ghi điểm và tạo ấn tượng với đối tác và khách hàng.

Một lợi ích khác của nó là công ty luật của bạn không cần phải in danh thiếp mới mỗi khi có thay đổi hoặc bổ sung thông tin. Ví dụ, khi công ty luật thay đổi địa chỉ hoặc khi luật sư và nhân viên được thăng chức. Mọi người có thể dễ dàng cập nhật thông tin trực tuyến và lưu trữ trong điện thoại di động của mình.

Danh thiếp kỹ thuật số cũng mang lại sự tiện lợi cho người nhận. Thay vì mang theo nhiều danh thiếp giấy, họ có thể lưu trữ thông tin liên lạc của luật sư và nhân viên của công ty luật của bạn một cách tiện lợi trong điện thoại di động của họ.

Cuối cùng, danh thiếp kỹ thuật số không yêu cầu luật sư và nhân viên phải cài đặt ứng dụng hỗ trợ, không có chi phí duy trì hàng tháng và không giới hạn số lần chạm thẻ. Nó cũng không yêu cầu quyền truy cập và mật khẩu vào các trang mạng xã hội. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc và giảm bớt rắc rối cho cả người gửi và người nhận.

Tóm lại, dù mới phổ biến gần đây nhưng việc sử dụng danh thiếp kỹ thuật số đang tăng trưởng nhanh vì mang lại nhiều lợi ích thiết thực như thu thập dữ liệu tương tác, tạo ấn tượng đáng nhớ, tiện lợi trong cập nhật thông tin và lưu trữ, và loại bỏ những ràng buộc và chi phí của danh thiếp giấy truyền thống.

Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2023

Chọn mở tài khoản ngân hàng nào cho công ty luật?

 Đầu tiên, không có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp nói chung và công ty luật của bạn nói riêng phải mở tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc mở tài khoản ngân hàng là rất quan trọng cho hoạt động kinh doanh của công ty luật của bạn với những lý do sau:

  • Ngoài việc thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ với cơ quan Nhà nước ví dụ như nộp thuế môn bài điện tử, sử dụng tài khoản ngân hàng còn thể hiện tính chuyên nghiệp của công ty luật của bạn trong mắt khách hàng. Điều này sẽ giúp công ty luật của bạn thuận tiện hơn trong việc các luật sư thành viên góp vốn điều lệ, giao dịch thanh toán với các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ, nhận thanh toán từ khách hàng, hoặc nhận ủy thác thanh toán từ bên thứ ba, giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực và chi phí;
  • Hơn nữa, theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, các giao dịch trên 20 triệu đồng buộc phải được thanh toán qua ngân hàng để chứng minh tính hợp lệ đối với hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ. Điều này là một yêu cầu để công ty luật của bạn được trừ khoản chi khi xác định thuế thu nhập cũng như được xem là thuế giá trị gia tăng đầu vào của công ty luật của bạn.
  • Ngoài ra, khi có tài khoản ngân hàng, công ty luật của bạn sẽ không cần phải giữ quá nhiều tiền mặt tại trụ sở mà có thể giữ tiền trong ngân hàng. Điều này giúp công ty linh hoạt hơn trong việc rút tiền mặt khi cần sử dụng.

Thứ hai, khi quyết định mở tài khoản ngân hàng cho công ty luật của bạn, có một số yếu tố cần phải được xem xét để đưa ra quyết định phù hợp về việc chọn mở tài khoản ngân hàng trong nước và nước ngoài tại Việt Nam. Dưới đây là một số điểm mạnh và yếu của việc mở tài khoản tại ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để bạn cân nhắc:

  • Ngân hàng trong nước có điểm mạnh là họ có sự hiểu biết sâu sắc về quy định và luật lệ của Việt Nam, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực pháp lý cũng như văn hóa Việt Nam. Điều này giúp công ty luật của bạn thực hiện các giao dịch pháp lý một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn, đặc biệt nếu hoạt động kinh doanh của công ty luật tập trung chủ yếu trong nước;
  • Bên cạnh đó, qua việc làm việc với ngân hàng trong cùng một quốc gia, công ty luật của bạn có thể xây dựng mối quan hệ lâu dài với ngân hàng và tận dụng các dịch vụ và ưu đãi đặc biệt dành riêng cho khách hàng địa phương để hỗ trợ hoạt động kinh doanh (ví dụ: vay vốn hoạt động, mở thẻ tín dụng và vay vốn của nhân viên);
  • Hơn nữa, hệ thống Internet banking của các ngân hàng trong nước nhanh chóng và hiện đại, hoạt động 24/24, cùng với nhiều điểm rút tiền tự động ở khắp các tình thành, giúp việc giao dịch với khách hàng, cơ quan nhà nước và các nhà cung cấp trở nên nhanh chóng và thuận lợi hơn;
  • Ngoài ra, với nhiều chi nhánh phân bố ở nhiều địa phương khác nhau, việc giao dịch và rút tiền trở nên thuận tiện khắp các địa phương ở Việt Nam;
  • Tuy nhiên, ngân hàng trong nước cũng có những điểm yếu. Họ có thể bị hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ quốc tế như giao dịch ngoại tệ hoặc chuyển tiền quốc tế, và các giao dịch quốc tế của họ thường có phí dịch vụ ngân hàng khá cao;
  • Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ của ngân hàng trong nước còn có thể kém, và việc chăm sóc khách hàng từ nhân viên ngân hàng thường không được đào tạo bài bản nên sẽ không chuyên nghiệp như các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của công ty luật và khả năng hỗ trợ từ ngân hàng; và
  • Ngoài ra, một số ngân hàng trong nước có quy mô tương đối nhỏ và cung cấp ít dịch vụ tài chính đa dạng hơn so với ngân hàng nước ngoài.

Trái ngược với điểm mạnh của ngân hàng trong nước, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cung cấp một số ưu điểm quan trọng. Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có những ưu điểm đáng chú ý.

  • Trước tiên, họ có khả năng cung cấp dịch vụ quốc tế như chuyển tiền quốc tế, giao dịch ngoại tệ và thanh toán quốc tế nhờ mạng lưới ngân hàng toàn cầu. Điều này đem lại lợi ích cho công ty luật của bạn trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh và quản lý tài chính một cách hiệu quả;
  • Bên cạnh đó, một số ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cung cấp các dịch vụ tài chính phức tạp hơn như quản lý tài sản, quản lý rủi ro và tư vấn đa quốc gia, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của công ty luật;
  • Thêm vào đó, các ngân hàng nước ngoài dẫn đầu trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến như internet banking, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo. Nhờ đó, công ty luật của bạn sẽ được trang bị những công cụ hiện đại để quản lý tài chính và thực hiện giao dịch một cách dễ dàng và thuận tiện;
  • Tuy nhiên, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng có những hạn chế. Đầu tiên, họ phải tuân thủ không chỉ quy định của Việt Nam mà còn quy định quốc tế nơi ngân hàng mẹ của họ đăng ký trụ sở. Điều này tạo ra khó khăn và yêu cầu công ty luật của bạn phải làm việc với các quy định và thủ tục pháp lý nước ngoài, mất thời gian và nguồn lực;
  • Bên cạnh đó, vì hoạt động tại Việt Nam, ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định đặc thù áp dụng cho ngân hàng nước ngoài, hạn chế sự linh hoạt trong hoạt động kinh doanh; và
  • Hơn nữa, các ngân hàng nước ngoài thường có mức phí dịch vụ cao hơn cho các giao dịch và dịch vụ tài chính. Do đó, việc sử dụng ngân hàng nước ngoài có thể gây áp lực tài chính lên công ty luật của bạn so với việc sử dụng ngân hàng trong nước.

Dựa trên những phân tích trên, việc lựa chọn ngân hàng phù hợp cho công ty luật của bạn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ, bạn cần xem xét nhu cầu kinh doanh cụ thể của công ty luật của bạn, đối tượng khách hàng, phạm vi hoạt động và các quy định pháp luật liên quan, cũng như chi phí duy trì tài khoản và giao dịch. Kinh nghiệm cho thấy, nếu công ty luật của bạn chỉ phục vụ các cá nhân và doanh nghiệp trong nước và hoạt động tại các thành phố lớn, bạn nên chọn một ngân hàng thương mại trong nước như ACB hoặc Techcombank. Nếu công ty luật có chi nhánh ở các tỉnh thành khác, thì các ngân hàng có vốn nhà nước như Vietcombank hoặc Vietinbank sẽ là lựa chọn phù hợp do họ có mạng lưới chi nhánh rộng khắp.

Tuy nhiên, nếu công ty luật của bạn phục vụ cả khách hàng trong và ngoài nước và có văn phòng ở các thành phố lớn, thì nên lựa chọn một ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Trong trường hợp công ty luật của bạn phục vụ cả hai đối tượng khách hàng này, bạn có thể chọn một ngân hàng thương mại trong nước (doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân) cùng với một ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu đa dạng của công ty.

Tóm lại, việc lựa chọn ngân hàng phù hợp cho công ty luật của bạn sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như nhu cầu kinh doanh, đối tượng khách hàng và phạm vi hoạt động. Bạn hãy xem xét kỹ càng các lựa chọn trong nước và nước ngoài để đảm bảo sự thuận tiện và phù hợp với mục tiêu kinh doanh của công ty luật của bạn.

Thứ ba, công ty luật của bạn cần duy trì ít nhất hai tài khoản tại mỗi ngân hàng, bao gồm một tài khoản tiền đồng và một tài khoản ngoại tệ, ví dụ như USD. Điều này giúp cho việc thanh toán các khoản chi phí và nhận phí dịch vụ từ khách hàng, đặc biệt là khách hàng nước ngoài trở nên thuận tiện hơn. Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ của luật sư là thu hộ và trả hộ các khoản phải thu và phải trả thay mặt khách hàng, đặc biệt trong các vụ việc giải quyết tranh chấp. Do đó, công ty luật của bạn cần mở hai tài khoản riêng biệt, một bằng tiền đồng và một bằng ngoại tệ, để dễ dàng quản lý và thực hiện các giao dịch này.

Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Nếu bạn muốn tìm đọc quyển sách Khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi (tái bản lần hai mới nhất), xin vui lòng theo đường dẫn này để được hướng dẫn đăng ký mua https://huongdankhoinghiepvoingheluatsu.com/ . Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình.

4 mô hình phát triển dài hạn cho công ty luật Việt Nam

 Khi đã đạt đến giai đoạn trung hạn trong quá trình phát triển, để đảm bảo không bị chậm tăng trưởng, công ty luật của bạn cần xem xét các lựa chọn phát triển ví dụ như tiếp tục tự phát triển độc lập, sáp nhập hoặc hợp nhất với các công ty luật Việt Nam khác, liên doanh với công ty luật nước ngoài hoặc trở thành công ty con của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

Hiện nay, thị trường pháp lý đã có một số công ty luật phát triển độc lập hàng đầu như YKVN, Vilaf. Đồng thời, cũng xuất hiện các trường hợp sáp nhập hoặc hợp nhất giữa các công ty luật Việt Nam như VLT hợp nhất vào Phuoc & Partners, liên doanh giữa công ty luật Việt Nam và đối tác nước ngoài như AGZI LCT (bao gồm Allen & Gledhill LLP từ Singapore, Zaid Ibrahim & Co. từ Malaysia và Công ty Luật LCT Lawyers từ Việt Nam) hay công ty luật LCT gia nhập Công ty luật Rajah & Tann của Singapore và Công ty luật Luật Việt gia nhập vào Công ty luật Dentons.

Dưới đây là một sơ lược về bốn mô hình này và phân tích chi tiết về những điểm mạnh và yếu của từng mô hình để bạn tham khảo:

  • Tự phát triển độc lập

Mô hình này tập trung vào việc xây dựng và phát triển công ty luật Việt Nam mà không kết hợp hoặc liên doanh với bất kỳ đối tác nào khác.

Điểm mạnh của mô hình này là bạn có toàn quyền kiểm soát và quyết định về hoạt động của công ty luật, giữ được sự độc lập và quyền kiểm soát. Bên cạnh đó, bạn có thể xây dựng và phát triển thương hiệu, danh tiếng và chuyên môn độc lập trong thị trường Việt Nam. Ngoài ra, bạn có khả năng tự quyết định chiến lược kinh doanh, mục tiêu phát triển và quy trình làm việc.

Tuy nhiên, mô hình này cũng có nhược điểm. Bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực và kiến thức quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới và công ty luật của bạn cần phục vụ khách hàng có yếu tố nước ngoài hoặc tham gia vào các dự án quốc tế. Ngoài ra, công ty luật của bạn sẽ gặp hạn chế trong việc mở rộng mạng lưới quan hệ và khách hàng, đặc biệt trong việc cạnh tranh với các công ty luật đã có mặt tại Việt Nam hoặc trên quy mô quốc tế. Hơn nữa, công ty luật của bạn cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường mới và phát triển các dự án quốc tế.

  • Sáp nhập hay hợp nhất với công ty luật Việt Nam khác

Mô hình này liên quan đến việc sáp nhập công ty luật của bạn với một hoặc nhiều công ty luật Việt Nam khác để tạo ra một công ty luật Việt Nam mới với tư cách pháp nhân hoặc hợp nhất một công ty luật Việt Nam khác vào công ty luật của bạn để tạo thành một thực thể mới, nhằm tăng cường quy mô và khả năng cạnh tranh.

Điểm mạnh của mô hình này là khả năng kết hợp nguồn lực, kiến thức và mạng lưới quan hệ của các công ty luật để tạo ra một sức mạnh cạnh tranh hơn trên thị trường. Nó cũng giúp tăng cường quy mô kinh doanh và khả năng phục vụ khách hàng, đặc biệt trong các lĩnh vực mà mỗi công ty luật có lợi thế riêng. Hơn nữa, công ty luật của bạn có thể tăng cường sức mạnh tài chính bằng cách chia sẻ các nguồn lực tài chính với công ty luật đối tác, bao gồm vốn đầu tư, quỹ hoạt động và nguồn lực tài trợ từ các ngân hàng. Điều này không chỉ giúp nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu vốn và đầu tư cho phát triển, nâng cấp công nghệ, tuyển dụng nhân lực chất lượng cao mà còn mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Tuy nhiên, mô hình này cũng có nhược điểm. Quá trình sáp nhập hoặc hợp nhất đòi hỏi đầu tư thời gian, nguồn lực và công sức của các bên để thống nhất văn hóa tổ chức, quy trình làm việc và quyền lực. Bên cạnh đó, có thể xảy ra mâu thuẫn và xung đột do sự khác biệt về quan điểm, quyền lực và quyết định giữa các bên. Ngoài ra, các bên cần giải quyết các vấn đề liên quan đến phân chia lợi ích và quyền kiểm soát sau quá trình sáp nhập/hợp nhất.

  • Liên doanh với công ty luật nước ngoài

Mô hình này liên quan đến việc công ty luật của bạn hợp tác với một công ty luật đối tác nước ngoài để thành lập một đơn vị kinh doanh chung trong lĩnh vực pháp lý tại Việt Nam.

Điểm mạnh của mô hình này là công ty luật của bạn có thể tiếp cận những kiến thức, kinh nghiệm và tài nguyên của công ty luật đối tác nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên môn hoặc quốc tế. Bên cạnh đó, công ty luật của bạn có thể mở rộng quy mô kinh doanh và tiếp cận các thị trường mới thông qua mạng lưới quan hệ của đối tác nước ngoài. Ngoài ra, công ty luật của bạn còn có thể nâng cao chất lượng dịch vụ và cung cấp giá trị gia tăng cho khách hàng thông qua sự kết hợp và chia sẻ kiến thức chuyên môn với công ty luật đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, mô hình này cũng có điểm yếu. Việc quyết định và hoạt động của liên doanh đòi hỏi sự cân nhắc và đồng thuận giữa các bên. Bên cạnh đó, có nguy cơ công ty luật của bạn mất quyền kiểm soát và quyền quyết định trong quá trình liên doanh. Điều này có thể dẫn đến mâu thuẫn và xung đột trong việc đưa ra quyết định quan trọng, bao gồm chiến lược kinh doanh, phân chia lợi ích và quản lý rủi ro. Hơn nữa, sự khác biệt văn hóa và quyền lực có thể gây ra bất đồng quan điểm về quản lý và quyết định giữa công ty luật của bạn và công ty luật đối tác nước ngoài. Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả và linh hoạt trong quản lý công ty luật liên doanh. Ngoài ra, các bên cần giải quyết các vấn đề liên quan đến phân chia lợi ích, quyền kiểm soát và quyền sở hữu sau khi thành lập công ty luật liên doanh. Sự thiếu đồng thuận trong việc quản lý và chia sẻ lợi ích có thể dẫn đến tranh chấp và mất ổn định trong hoạt động của công ty.

  • Gia nhập và trở thành công ty con của công ty luật nước ngoài

Điểm mạnh của mô hình này đó là các công ty luật nước ngoài thường có nền tảng lâu đời và kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực pháp lý. Gia nhập và trở thành công ty con của họ có thể mang lại lợi ích cho công ty luật của bạn từ sự chuyên môn và sự định vị của công ty mẹ trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Các công ty luật nước ngoài thường có mạng lưới rộng khắp và quan hệ đối tác quốc tế. Việc gia nhập có thể tạo ra cơ hội hợp tác, kết nối với khách hàng quốc tế, và thu hút dự án pháp lý quốc tế cho công ty luật của bạn. Ngoài ra, các công ty luật nước ngoài thường áp dụng các phương pháp quản lý và công nghệ tiên tiến trong hoạt động của họ. Bằng cách trở thành công ty con của họ, công ty luật của bạn có thể học hỏi và áp dụng những phương pháp này, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu suất làm việc.

Tuy nhiên, điểm yếu của mô hình này đó là khi trở thành công ty con của một công ty luật nước ngoài có thể đồng nghĩa với việc công ty luật của bạn phải chịu sự kiểm soát và ảnh hưởng từ công ty mẹ. Điều này có thể làm mất đi sự độc lập và quyền tự quyết của công ty luật của bạn trong việc ra quyết định và phát triển chiến lược riêng. Bên cạnh đó, công ty luật của bạn và công ty luật nước ngoài có thể có văn hóa tổ chức và giá trị cốt lõi khác nhau. Sự không phù hợp và xung đột giữa hai văn hóa này có thể gây khó khăn trong việc hòa nhập và tạo ra khó khăn trong việc xây dựng một môi trường làm việc hài hòa và hiệu quả. Sự khác biệt văn hóa có thể ảnh hưởng đến cách thức giao tiếp, quyết định và thực hiện công việc, gây ra sự không hiểu và mâu thuẫn giữa các thành viên trong công ty. Hơn nữa, quá trình quản lý và điều hành công ty con trong mô hình công ty mẹ-công ty con có thể phức tạp và yêu cầu sự đồng thuận từ công ty mẹ. Việc xác định quyền lực, phân chia trách nhiệm, và quyết định trong cấu trúc mô hình công ty mẹ-công ty con có thể làm nảy sinh xung đột và khó khăn trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, trong mô hình công ty mẹ-công ty con, có thể xảy ra rủi ro và thách thức, bao gồm mất quyền kiểm soát, xung đột lợi ích và khó khăn về quản lý. Các bên cần phải đánh giá và quản lý những rủi ro này một cách cẩn thận và đề xuất các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả để đối phó với các tình huống không mong muốn

Dựa trên phân tích chi tiết về các mô hình phát triển, dưới đây là đề xuất các bước thực hiện dành cho công ty luật của bạn:

  • Trong phát triển ngắn hạn: Công ty luật của bạn nên tập trung vào việc xây dựng và phát triển độc lập, tận dụng những điểm mạnh nội bộ của mình và tập trung vào tăng cường sự chuyên môn và thị trường trong nước;
  • Trong phát triển trung hạn: Công ty luật của bạn nên xem xét khả năng hợp tác với các công ty luật Việt Nam khác để tạo ra sự kết hợp nguồn lực và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường. Điều này giúp công ty luật của bạn tăng cường quy mô, khả năng phục vụ khách hàng và nguồn lực tài chính; và
  • Trong phát triển dài hạn: Công ty luật của bạn nên xem xét khả năng liên doanh với các công ty luật nước ngoài để mở rộng mạng lưới quan hệ, tiếp cận kiến thức và kinh nghiệm quốc tế, và phục vụ khách hàng quốc tế.
  • Cũng trong phát triển dài hạn, Công ty luật của bạn cũng có thể xem xét đến khả năng gia nhập và trở thành công ty con của công ty luật nước ngoài để hội nhập sâu rộng hơn nữa của mạng lưới quan hệ, tiếp cận kiến thức và kinh nghiệm quốc tế, và phục vụ khách hàng đa quốc gia.

Điều quan trọng là công ty luật của bạn cần đánh giá một cách tỉ mỉ tình hình và mục tiêu phát triển của mình trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích:

  • Với mô hình phát triển độc lập

Công ty luật của bạn nên tăng cường đầu tư vào nâng cao chất lượng nhân sự, cải thiện quy trình làm việc và mở rộng mạng lưới quan hệ trong nước. Đồng thời, nắm bắt cơ hội hợp tác và học hỏi từ các công ty luật nước ngoài thông qua việc tham gia vào các diễn đàn, hội thảo và hoạt động giao lưu chuyên ngành quốc tế. Bên cạnh đó, công ty luật của bạn có thể tập trung vào việc xây dựng và củng cố thương hiệu trong nước, đáp ứng nhu cầu pháp lý của khách hàng và mở rộng mạng lưới quan hệ. Đồng thời, cần chú trọng vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa nguồn thu để tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước.

  • Với mô hình sáp nhập hay hợp nhất với công ty luật Việt Nam khác

Công ty luật của bạn có thể tìm kiếm các cơ hội hợp tác và khả năng sáp nhập hoặc hợp nhất với các công ty luật Việt Nam khác, có sự phù hợp về văn hóa, chiến lược và mục tiêu phát triển. Để đạt được điều này, công ty luật của bạn cần thực hiện một quá trình đánh giá kỹ lưỡng về tiềm năng hợp tác và tạo ra một kế hoạch chi tiết để đảm bảo sự thành công của quá trình sáp nhập/hợp nhất.

Bên cạnh đó, công ty luật của bạn nên tập trung vào việc tăng cường khả năng cạnh tranh, mở rộng quy mô kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc kết hợp và chia sẻ nguồn lực với công ty luật đối tác. Trước khi tiến hành sáp nhập hoặc hợp nhất, công ty luật của bạn cần lựa chọn đối tác có giá trị phù hợp về văn hóa tổ chức, quyền lực và quyết định. Điều này sẽ giúp giảm thiểu xung đột và tạo ra môi trường làm việc đồng thuận hơn.

Hơn nữa, công ty luật của bạn cần thiết lập các cuộc đàm phán và thỏa thuận chi tiết với đối tác, đảm bảo rõ ràng về quyền lực, quyết định và phân chia lợi ích. Các điều khoản và điều kiện cần được định rõ trong hợp đồng và được các bên thảo luận và đồng ý trước khi tiến hành quá trình sáp nhập hoặc hợp nhất. Để đảm bảo sự đồng thuận về quyền lực, các bên cần xây dựng một cấu trúc quản lý chặt chẽ và rõ ràng. Các vị trí quản lý, vai trò và trách nhiệm của từng bên cần được định rõ để tránh những tranh chấp không cần thiết.

Ngoài ra, việc duy trì một luồng giao tiếp liên tục và sự hợp tác giữa các bên là rất quan trọng để đảm bảo sự đồng thuận về quyền lực. Các cuộc họp định kỳ và các kênh liên lạc thường xuyên giữa các bên sẽ giúp giải quyết mâu thuẫn và khuyến khích sự thống nhất trong quyết định. Trong quá trình sáp nhập hay hợp nhất, các bên cần đảm bảo rằng có sự quản lý thay đổi hiệu quả. Các vấn đề phát sinh và khó khăn cần được xử lý một cách nhanh chóng và hiệu quả để tránh sự mất đồng thuận và ổn định trong quá trình phát triển.

  • Với mô hình liên doanh với công ty luật nước ngoài

Công ty luật của bạn cần lựa chọn một công ty luật nước ngoài có uy tín, kinh nghiệm và đặc biệt là hiểu biết về thị trường Việt Nam. Điều này sẽ mang lại lợi ích từ chuyên môn và mạng lưới quan hệ của đối tác. Đồng thời, công ty luật của bạn cần đảm bảo rằng các điều khoản và điều kiện của liên kết được định rõ trong hợp đồng liên kết, bao gồm việc phân chia vốn, quyền lực và trách nhiệm. Kế hoạch này cần xem xét các khía cạnh như tài chính, quản lý, quy trình làm việc và phân phối lợi nhuận.

Hơn nữa, công ty luật của bạn cần xem xét và bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình liên kết. Đồng thời, cần hiểu rõ các rủi ro và thách thức có thể phát sinh và tìm cách giải quyết chúng thông qua việc thiết lập cơ chế phân chia rủi ro và cách thức giải quyết tranh chấp.

Ngoài ra, công ty luật của bạn cần tiến hành một nghiên cứu và tư vấn chi tiết về tiềm năng, lợi ích và khó khăn của việc liên kết với công ty luật nước ngoài. Sự đánh giá cẩn thận và chi tiết về tiềm năng, lợi ích và khó khăn của liên kết với công ty luật nước ngoài là rất quan trọng. Dưới đây là một số yếu tố cần được đánh giá:

  • Xem xét tiềm năng phát triển của thị trường pháp lý ở Việt Nam và thị trường mục tiêu mà công ty luật đối tác nước ngoài quan tâm. Đánh giá kích thước thị trường, xu hướng phát triển, cạnh tranh và cơ hội kinh doanh;
  • Đánh giá các công nghệ, quy trình làm việc, phương pháp quản lý và kiến thức chuyên môn mà công ty luật đối tác nước ngoài mang lại. Xem xét sự phù hợp và khả năng áp dụng chúng vào hoạt động của công ty luật của bạn;
  • Xác định khả năng tài chính của công ty luật của bạn để đáp ứng yêu cầu của công ty luật liên doanh. Đánh giá cần thiết về vốn đầu tư ban đầu, vốn lưu động và khả năng chia sẻ rủi ro tài chính;
  • Đánh giá các quyền lực và quyết định trong cấu trúc của công ty luật liên doanh. Xem xét các yếu tố như quyền kiểm soát, quyền biểu quyết và quyền lựa chọn quản lý;
  • Đánh giá sự phù hợp về văn hóa tổ chức và giá trị cốt lõi giữa công ty luật của bạn và công ty luật đối tác nước ngoài. Xem xét khả năng hòa nhập, sự đồng nhất về giá trị và mục tiêu chung;
  • Xác định các rủi ro và thách thức có thể phát sinh trong quá trình liên doanh giữa các bên;
  • Đánh giá các vấn đề như sự không thống nhất trong quyết định, khả năng xảy ra xung đột lợi ích và thách thức về quản lý văn hóa.

Dựa trên đánh giá các yếu tố đã nêu trên, công ty luật của bạn sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có liên doanh với công ty luật đối tác nước ngoài hay không. Nếu sau khi đánh giá, công ty luật của bạn nhận thấy rằng công ty luật liên doanh có thể mang lại lợi ích vượt trội về tài chính, nguồn lực, quy trình làm việc và khả năng mở rộng thị trường, thì lựa chọn liên doanh có thể là một quyết định hợp lý cho công ty luật của bạn.

Sau khi đã quyết định liên doanh, công ty luật của bạn cần đảm bảo rằng hợp đồng liên doanh được lập kế hoạch và thực hiện một cách chi tiết, xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm, quyền hạn và phân chia lợi ích giữa các bên. Các điều khoản hợp đồng nên bao gồm cả phương thức giải quyết tranh chấp và chấm dứt hợp đồng. Bên cạnh đó, các bên cần thiết lập một cơ chế quản lý và điều hành chặt chẽ trong công ty luật liên doanh. Điều này đảm bảo sự thống nhất trong quyết định, tăng cường giao tiếp và hợp tác liên tục, và giải quyết mâu thuẫn một cách hiệu quả giữa các bên. Hơn nữa, các bên cần xem xét các yếu tố văn hóa tổ chức và giá trị cốt lõi của công ty luật của bạn và công ty luật đối tác nước ngoài. Đảm bảo sự phù hợp và sự đồng nhất về giá trị, mục tiêu và cách thức hoạt động để tạo nên một môi trường làm việc hài hòa và hiệu quả. Ngoài ra, trong quá trình liên doanh, các bên cần đánh giá và quản lý các rủi ro và thách thức có thể phát sinh, bao gồm mất quyền lực, xung đột lợi ích và thách thức về quản lý. Sau cùng, các bên cần thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp và sự linh hoạt trong điều chỉnh để đối phó với các tình huống không mong muốn.

  • Với mô hình gia nhập và trở thành công ty con của công ty luật nước ngoài

Trước khi quyết định gia nhập, bạn cần tiến hành nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, giá trị và chiến lược phát triển của công ty luật nước ngoài mà bạn muốn gia nhập. Hãy xem xét các thành tựu, dự án quan trọng và danh sách khách hàng để hiểu rõ vị trí và uy tín của công ty đó trong ngành luật. Đồng thời, liên hệ trực tiếp với những người quản lý hoặc nhân sự của họ để trao đổi thông tin và thể hiện sự quan tâm của bạn. Bạn cần cân nhắc tổ chức cuộc họp hoặc gặp gỡ với họ để đặt câu hỏi và hiểu rõ hơn về công ty luật của họ.

Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng hồ sơ cá nhân và tài liệu về công ty luật của bạn đã được cập nhật và chuẩn bị kỹ lưỡng. Bao gồm profile, kinh nghiệm làm việc và các giấy tờ liên quan. Hãy chắc chắn rằng các tài liệu của công ty luật của bạn phản ánh sự chuyên nghiệp và khả năng của đội ngũ nhân sự của công ty luật của bạn trong lĩnh vực luật pháp.

Nếu nhận được lời mời tham gia phỏng vấn với họ, bạn hãy chuẩn bị kỹ càng các thông tin có liên quan đến phạm vi hành nghề, doanh thu và chi phí, đội ngũ nhân sự, khách hàng, v.v… của công ty luật của bạn cũng như những câu hỏi thường gặp như tại sao bạn lại muốn công ty luật của bạn gia nhập công ty luật của họ, bạn muốn gì từ việc gia nhập này, công ty luật của bạn sẽ làm gì để giúp công ty luật của họ phát triển tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, bạn cần thể hiện sự tự tin, sự am hiểu và khả năng giải quyết vấn đề trong quá trình phỏng vấn.

Cuối cùng, trong quá trình gặp gỡ và phỏng vấn, hãy quan sát và đánh giá những đồng nghiệp và môi trường làm việc của công ty luật nước ngoài. Điều này sẽ giúp bạn xác định liệu công ty luật của bạn phù hợp với công ty luật nước ngoài hay không.

Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Nếu bạn muốn tìm đọc quyển sách Khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi (tái bản lần hai mới nhất), xin vui lòng theo đường dẫn này để được hướng dẫn đăng ký mua https://huongdankhoinghiepvoingheluatsu.com/ . Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình.

Doanh nghiệp trốn đóng BHXH: Từ vi phạm hành chính đến tránh nhiệm hình sự

                      Nguyễn Hoàng Giang, Đào Thị Trúc Vi & Luật sư Nguyễn Hữu Phước Dưới tác động tiêu cực của khủng hoảng và suy tho...