Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

Bài học pháp lý từ “khai thấp giá chuyển nhượng” bất động sản

Nguyễn Thị Thu Thủy & Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phuoc & Partners

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, thị trường bất động sản Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Bên cạnh những yếu tố khách quan dẫn đến khó khăn trong giao dịch bất động sản, thực tế cũng phát sinh nhiều vụ việc mà các bên mua bán đã giao dịch thiếu minh bạch, thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận trong quá trình giao dịch. Điều này đã gây ra những hậu quả pháp lý khó lường cho cả người bán và người mua.

Gần đây nhất, vào ngày 13/01/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đã khởi tố bổ sung tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với Lê Văn Thành - một môi giới bất động sản, ngoài tội trốn thuế từ tháng 9/2023. Lê Văn Thành, sau khi nhận tiền đặt cọc từ khách hàng, đã không thực hiện đúng thỏa thuận mua bán đất và sau đó bán nó cho người khác với giá 21 tỷ đồng. Hợp đồng chuyển nhượng chỉ ghi giá 460 triệu đồng, gây thất thoát thuế hơn 514 triệu đồng. Ông PAT, người mua đất, cũng bị khởi tố về hành vi trốn thuế với vai trò là người giúp sức cho ông Thành.

Mặc dù vấn đề khai thấp giá chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng bất động sản không còn quá xa lạ, nhưng với tính chất phức tạp của vụ án gần đây cùng với việc Luật Đất đai sửa đổi 2024 vừa mới được thông qua ngày 18/01/2024, nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này đang thu hút sự quan tâm và bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn pháp lý.

Theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở, v.v) là thu nhập chịu thuế[1]. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là giá chuyển nhượng từng lần và thuế suất. Hiện nay, mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”) từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản là 2%, được tính trên giá chuyển nhượng. Để xác định giá chuyển nhượng, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng. Trong trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng[2].

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, bảng giá đất do cơ quan Nhà nước quy định thường phản ánh giá đất ổn định trong một khoảng thời gian dài, trong khi thực tế cho thấy giá đất có nhiều biến động, đặc biệt là những giai đoạn “sốt đất” tại một số khu vực nhất định. Vì vậy, giá chuyển nhượng trên thực tế và bảng giá đất do cơ quan Nhà nước quy định có thể chênh lệch rất lớn. Trong bối cảnh đó, mặc dù quy định về thuế TNCN từ việc chuyển nhượng bất động sản đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2009, nhưng thực tế áp dụng trong thời gian qua vẫn tồn tại nhiều bất cập. Trong rất nhiều trường hợp, các bên trong giao dịch (mà thường xuất phát từ người bán), đã “lách luật” bằng cách thỏa thuận ghi giá chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng trên thực tế nhằm giúp người bán giảm số tiền thuế TNCN phải nộp vào ngân sách nhà nước và các khoản lệ phí phải nộp.

Hiện nay, pháp luật chưa có cơ chế xác minh mức giá mà các bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng có phản ánh đúng thực tế hay không. Trong quá trình công chứng các hợp đồng chuyển nhượng, công chứng viên cũng chỉ có trách nhiệm phổ biến quy định pháp luật cho các bên và hoàn thành hồ sơ công chứng trên cơ sở tôn trọng sự thỏa thuận của các bên vì bản chất của hợp đồng chuyển nhượng là một thỏa thuận dân sự. Một khi các bên đã đồng ý ký kết và công chứng hợp đồng với mức giá đã được thống nhất thì công chứng viên thường không thể từ chối.

Dưới góc độ pháp lý, việc khai giá thấp trong các giao dịch bất động sản có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Nếu bị phát hiện có dấu hiệu của hành vi trốn thuế, người bán có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1 đến lần 3 lần số tiền thuế trốn[3], tùy vào tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng, nếu có, và bị buộc phải nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, người bán nào có hành vi trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm[4].

Về phía người mua, hành vi thỏa thuận giá thấp có thể bị xem là giúp đỡ người bán trốn thuế TNCN, do đó, người mua cũng có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế với vai trò là người giúp sức (người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm)[5]. Trên thực tế, trong một số tình huống, người mua có thể không cố tình thỏa thuận giá thấp trong hợp đồng chuyển nhượng mà chỉ đồng ý giúp đỡ người bán do các bên có mối quan hệ thân thiết hay nhằm hỗ trợ người bán giảm bớt gánh nặng về thuế TNCN để đồng ý giao dịch mua bán. Hoặc, người mua cũng có thể không biết quy định pháp luật, không biết rằng họ đang giúp đỡ người bán trốn thuế, và do đó, không lường trước được các rủi ro pháp lý tiềm ẩn mà mình có thể gánh chịu. Ngoài ra, khi thực hiện chuyển nhượng mà giá ghi trong hợp đồng thấp hơn giá bán thực tế, nếu các bên xảy ra tranh chấp, giá trong hợp đồng sẽ là cơ sở pháp lý để Tòa án căn cứ giải quyết vụ án. Khi đó, bên mua hầu như rất khó để chứng minh một cách thuyết phục với Tòa án rằng giá chuyển nhượng trên thực tế cao hơn giá các bên thỏa thuận trong hợp đồng.

Nhằm hạn chế những bất cập xuất phát từ việc khai thấp giá chuyển nhượng trong giao dịch bất động sản nêu trên, ngày 18/01/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) với nhiều thay đổi quan trọng, trong đó là quy định liên quan đến bảng giá đất. Cụ thể, Luật Đất đai sửa đổi 2024 đã bỏ khái niệm “khung giá đất” và thay thế bằng khái niệm “bảng giá đất”[6]. Theo đó, bảng giá đất được xây dựng hằng năm và được áp dụng làm căn cứ tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Bảng giá đất lần đầu sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và được công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026, sau đó được điều chỉnh từ ngày 01/01 của năm tiếp theo. Như vậy, kể từ ngày 01/01/2026, thu nhập tính thuế TNCN khi chuyển nhượng bất động sản sẽ căn cứ vào bảng giá đất, thay vì giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng. Nói cách khác, dù các bên có giao dịch với giá thực tế thấp hơn hay cao hơn giá trong bảng giá đất thì cơ quan thuế vẫn sẽ căn cứ vào giá trong bảng giá đất tại địa phương để tính thuế TNCN phải nộp. Dù Bảng giá đất có thể vẫn không theo kịp giá thị trường nhưng với việc điều chỉnh giá đất hàng năm như thế, giá đất đâu đó cũng không quá cách xa với giá thị trường và phản ánh gần đúng với giá giao dịch mua bán của các bên.  Với quy định này, chúng ta kỳ vọng rằng bảng giá đất được xây dựng sẽ tiệm cận hơn với giá đất thị trường tại từng khu vực và được áp dụng thống nhất bởi các cơ quan ban ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Mặt khác, quy định và áp dụng bảng giá đất cũng đảm bảo cơ chế minh bạch, khách quan trong các giao dịch chuyển nhượng bất động sản, giảm thiểu rủi ro pháp lý cho chính người mua, người bán trong giao dịch.

Trong khoảng thời gian này, do Luật Đất đai sửa đổi 2024 vẫn chưa có hiệu lực pháp luật, các cá nhân khi tham gia vào các giao dịch chuyển nhượng bất động sản phải thực hiện đúng quy định pháp luật, giao dịch và kê khai giá chuyển nhượng phù hợp với thực tế để tránh các hậu quả pháp lý về sau.



[1] Khoản 1 Điều 1 Luật thuế TNCN sửa đổi 2012

[2] Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC

[3] Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP

[4] Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, điểm a, điểm b khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

[5] Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015

[6] Điều 159 Luật Đất đai sửa đổi 2024

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

Một góc nhìn pháp lý về “Lương tháng 13”

 

Một góc nhìn pháp lý về “Lương tháng 13”

(Lê Thị Minh Thư & Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty Luật Phuoc & Partners)

Thời điểm cận tết Nguyên Đán năm nay, nhiều diễn đàn doanh nghiệp và pháp luật lại có dịp sôi nổi với các câu hỏi thường niên: Lương tháng 13 là gì, Lương tháng 13 là nghĩa vụ của doanh nghiệp dành cho người lao động hay đây chỉ là một trong số những phúc lợi mà người lao động được hưởng, trả Lương tháng 13 bao nhiêu là thỏa đáng?

Mặc dù những câu hỏi trên không mới, việc trao đổi trên các diễn đàn chưa bao giờ đến hồi kết khi có nhiều ý kiến đa chiều được đưa ra về vấn đề này, đặc biệt là sự phân hóa giữa ý kiến của người lao động và doanh nghiệp. Dưới góc nhìn của người lao động, việc trả Lương tháng 13 là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp để tưởng thưởng cho một năm người lao động làm việc vất vả. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp cho rằng Lương tháng 13 là không bắt buộc vì luật không quy định nên doanh nghiệp có toàn quyền quyết định có trả Lương tháng 13 cho người lao động hay không. Đặc biệt, với những doanh nghiệp đang gặp tình trạng khó khăn kinh doanh trong thời kỳ suy thoái kinh tế hiện nay cảm thấy nặng nề khi phải trả Lương tháng 13 không hề nhỏ cho người lao động[1]. Theo đây, bài viết này nhằm đưa ra quan điểm dưới góc nhìn pháp lý khách quan về Lương tháng 13.

Lương tháng 13 được quy định và áp dụng như thế nào theo pháp luật?

Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, Lương tháng 13 không được định nghĩa hay quy định trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào. Xem xét định nghĩa về tiền lương, phụ cấp lương, hay các khoản bổ sung khác trong cơ cấu lương của người lao động, Lương tháng 13 cũng không nằm trong cơ cấu này[1]. Bên cạnh tiền lương, người lao động nói chung có thể được doanh nghiệp hỗ trợ thêm bằng các chế độ, phúc lợi khác. Định nghĩa về các chế độ phúc lợi khác được quy định trong Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH không bao gồm Lương tháng 13. Các chế độ phúc lợi khác bao gồm thưởng, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động. Như vậy có thể thấy, pháp luật lao động không có quy định riêng về Lương tháng 13.

Xem xét định nghĩa về thưởng theo quy định của pháp luật lao động là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động[2]. Trên thực tế, các doanh nghiệp sẽ thỏa thuận với người lao động về Lương tháng 13 trong hợp đồng lao động như một khoản thưởng Tết cho người lao động. Bên cạnh đó, để Lương tháng 13 trở thành chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, ngoài hợp đồng lao động, doanh nghiệp còn phải quy định cụ thể nội dung về thưởng tại một trong các hồ sơ sau: thoả ước lao động tập thể; quy chế tài chính của doanh nghiệp; hay quy chế thưởng của doanh nghiệp[3].

Thêm nữa, để cụ thể và rõ ràng, nội dung về Lương tháng 13 thường được doanh nghiệp quy định chi tiết những nội dung sau: tiêu chí hưởng, điều kiện hưởng, mức hưởng và thời điểm thanh toán. Ví dụ, đa phần các doanh nghiệp quy định điều kiện hưởng lương tháng 13 của người lao động là phải làm đủ 12 tháng lương lịch cho doanh nghiệp. Nếu làm không đủ 12 tháng, Lương tháng 13 sẽ được tính căn cứ vào số tháng làm việc thực tế tại doanh nghiệp. Ngoài ra, trên thị trường lao động hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến hiệu suất công việc của người lao động nên thường đặt thêm các điều kiện về hiệu suất công việc như là một trong những điều kiện cần để người lao động được hưởng Lương tháng 13. Nếu đã được quy định cụ thể trong các tài liệu trên, việc thanh toán lương tháng 13 sẽ là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp với người lao động.

Nói chung, về mức hưởng Lương tháng 13, vì không có quy định cụ thể nên doanh nghiệp có toàn quyền quyết định mức hưởng này.

Tham khảo việc thanh toán lương tháng 13 theo quy định của các quốc gia trên thế giới

Trên thế giới, việc quy định Lương tháng 13 là khoản thanh toán bắt buộc chỉ được áp dụng tại một số ít quốc gia như: Bồ Đào Nha (Được trả vào kỳ nghỉ hè), Ấn Độ (Luật quy định cụ thể đối tượng được thanh toán lương tháng 13), Phi-líp-pin (Bộ luật Lao động quy định cụ thể lương tháng 13 phải được trả cho người lao động chính thức của doanh nghiệp vào khoản thời gian cụ thể). Ở chiều ngược lại, đa phần các quốc gia trên thế giới không quy định Lương tháng 13 là khoản thanh toán bắt buộc. Tuy nhiên, ở các quốc gia này việc áp dụng thanh toán lương tháng 13 trở thành thông lệ hằng năm nhằm hỗ trợ thêm cho người lao động. Các quốc gia này bao gồm Phần Lan, Hà Lan, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia[4].

Không trả lương tháng 13 có vi phạm không, mức xử phạt như thế nào?

Như đã phân tích ở trên, ở Việt Nam, Lương tháng 13 không phải là khoản thanh toán bắt buộc mà pháp luật Việt Nam quy định phải thanh toán cho người lao động nên không có chế tài nếu doanh nghiệp không thanh toán Lương tháng 13 cho người lao động. Tuy nhiên, nếu người lao động và doanh nghiệp có thỏa thuận về tiền lương tháng 13 trong hợp đồng lao động và người lao động đáp ứng đủ các tiêu chí được nhận Lương tháng 13 theo quy định của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không thanh toán, người lao động có quyền thực hiện các biện pháp pháp lý mà luật pháp cho phép như khiếu nại doanh nghiệp, gửi đơn yêu cầu hòa giải đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện yêu cầu doanh nghiệp thanh toán Lương tháng 13.

Trên thực tế, tranh chấp lao động giữa người lao động và doanh nghiệp chỉ liên quan đến yêu cầu thanh toán Lương tháng 13 là không phổ biến nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp vì người lao động và doanh nghiệp muốn giữ hòa khí trong thời gian tiếp tục làm việc. Thông thường người lao động sẽ yêu cầu doanh nghiệp thanh toán Lương tháng 13 cùng với các yêu cầu khác như trong các vụ án về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tranh chấp tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội.

Tham khảo một số bản án có liên quan, không phải lúc nào yêu cầu về việc thanh toán Lương tháng 13 cũng được Tòa án có thẩm quyền chấp nhận. Đơn cử trong Bản án số 02/2022/LĐ-PT ngày 30/06/2021 giữa nguyên đơn là Bà QN và bị đơn là Công ty Z, Bà QN có yêu cầu Công ty Z thanh toán Lương tháng 13 cho Bà đi kèm các khoản chế độ khác. Tuy nhiên, theo quan điểm của Toà án cấp sơ thẩm, Bà QN đã không đạt đủ điều kiện theo Quy chế trả thưởng và đã bị xử lý kỷ luật. Tại Tòa án cấp Phúc thẩm, sau khi xem xét đã đồng tình với Tòa án cấp sơ thẩm và không chấp nhận về yêu cầu thanh toán Lương tháng thứ 13 của Bà QN.[5]

Tham khảo thêm Bản án số 757/2017/LĐ-PT ngày 22/8/2017 giữa nguyên đơn là Bà D, kế toán trưởng của công ty và Công ty V. Ngoài các yêu cầu khác có liên quan, Bà D cũng yêu cầu Công ty V phải thanh toán Lương tháng 13 cho Bà. Tại phiên toà sơ thẩm, Toà án chấp nhận yêu cầu của Bà D về việc buộc Công ty V phải thanh toán Lương tháng 13. Lý do được đưa ra là do có quyết định của Hội đồng thành viên Công ty V về việc chức vụ của Bà D sẽ được hưởng các chế độ phúc lợi và khen thưởng chung cho những người lao động khác trong Công ty. Theo đó, Công ty V có quyết định trả lương tháng 13 cho toàn bộ người lao động của Công ty nhung cả Công ty V và Bà D đều xác nhận rằng Công ty V chưa thanh toán Lương tháng 13 cho Bà D. Do đó yêu cầu thanh toán Lương tháng 13 của Bà D là có cơ sở.[6]

Kết luận

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy rằng việc trả Lương tháng 13 là không bắt buộc theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc trả Lương tháng 13 sẽ là bắt buộc nếu doanh nghiệp và người lao động có thỏa thuận về việc doanh nghiệp phải thanh toán Lương tháng 13 trong hợp đồng lao động, đồng thời, doanh nghiệp có quy định Lương tháng 13 trong thỏa ước lao động tập thể, quy chế thưởng hoặc các quy chế nội bộ khác của doanh nghiệp. Do đó, để tránh hiểu lầm và phát sinh những tranh chấp lao động không đáng có liên quan đến khoản thanh toán này, những quy định về Lương tháng 13 phải được quy định rõ ràng và nhất quán về đối tượng hưởng Lương tháng 13, tiêu chí hưởng, điều kiện hưởng, mức hưởng Lương tháng 13 và thời điểm thanh toán.

Về phía người lao động, để biết mình có được nhận Lương tháng 13 hay không, người lao động phải xem kỹ hợp đồng lao động ký với doanh nghiệp, chính sách thưởng, thỏa ước lao động tập thể và các chính sách khác của doanh nghiệp để tránh phát sinh những tranh chấp không đáng có giữa người lao động và doanh nghiệp và gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa hai bên.



[2] Điều 104 Bộ luật Lao động 2019

[3] Điều 6.2.5.(b) Thông tư 78/2014/TT-BTC, sửa đổi bởi Điều 3.2 Thông tư 25/2018/TT-BTC



[1] https://tienphong.vn/vat-va-lo-luong-thang-13-post1590482.tpo

Cắt giảm lương thưởng của người lao động, cần suy nghĩ thiệt hơn

Cắt giảm lương thưởng của người lao động, cần suy nghĩ thiệt hơn 

Lại Thị Diệu Thùy, Hà Thị Hoài Linh và Luật sư Nguyễn Hữu Phước[1]

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức mới hậu Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang phải thực hiện nhiều biện pháp cần thiết để tiết kiệm chi phí, trong đó có phương án cắt giảm lương, thưởng của người lao động (NLĐ). Phương án cắt giảm lương, thưởng không chỉ là bài toán kinh tế của doanh nghiệp mà còn là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Vậy doanh nghiệp cần thực hiện việc cắt giảm lương, thưởng của NLĐ như thế nào để đảm bảo tuân thủ quy định của luật lao động hiện hành?

Lương, thưởng theo quy định của pháp luật

Theo Bộ luật Lao động, tiền lương là số tiền mà doanh nghiệp phải trả cho NLĐ theo thỏa thuận để NLĐ thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Theo đó, phụ cấp lương là các khoản bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ; hoặc các khoản gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của NLĐ ví dụ như: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực, v.v...

Trong khi đó, BLLĐ định nghĩa tiền thưởng là khoản tiền mà doanh nghiệp thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Theo đó, tiền thưởng là khoản thu nhập không được tính vào tiền lương của NLĐ. Xét về bản chất, tiền thưởng là một khoản mà doanh nghiệp chi trả cho NLĐ có điều kiện dựa vào hai yếu tố: (i) kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; và (ii) mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Vì lẽ đó, doanh nghiệp cần ghi nhận rõ các điều kiện được hưởng, mức hưởng trong quy chế thưởng do doanh nghiệp quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.

Tùy tiện cắt, giảm lương của NLĐ

Theo quy định, doanh nghiệp chỉ được khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của doanh nghiệp và NLĐ có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình. Luật lao động hiện hành nghiêm cấm việc phạt tiền, cắt lương của NLĐ thay cho việc xử lý kỷ luật lao động. Nếu doanh nghiệp nào cắt lương thay cho việc xử lý kỷ luật lao động, doanh nghiệp đó có thể bị phạt tiền lên đến 80 triệu đồng[2]. Đối với các trường hợp tùy tiện cắt, giảm lương khác, hành vi này có thể bị xem là trả không đủ tiền lương cho NLĐ theo thỏa thuận trong HĐLĐ, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng và bị buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương trả thiếu cho NLĐ tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt[3].

Bất chấp các quy định về xử phạt vi phạm hành chính như trên, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn tùy tiện cắt, giảm lương của NLĐ bởi muôn vàn lý do như doanh thu sụt giảm, NLĐ đi trễ, về sớm, không đạt KPI, mặc đồng phục không đúng quy định,... Hoặc có một số doanh nghiệp còn lách luật bằng cách không quy định hoặc có quy định nhưng không nêu rõ ràng về các chính sách liên quan đến phụ cấp và thưởng cho NLĐ.

Một số lưu ý cho doanh nghiệp khi cắt giảm lương của NLĐ

Theo quy định, lương là một trong những nội dung bắt buộc của HĐLĐ. Nếu doanh nghiệp muốn điều chỉnh giảm lương (bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác), doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung HĐLĐ. Cụ thể, doanh nghiệp phải thông báo cho NLĐ biết trước ít nhất 03 ngày làm việc. Trong trường hợp NLĐ đồng ý với việc điều chỉnh giảm lương đó thì doanh nghiệp và NLĐ sẽ tiến hành ký kết phụ lục HĐLĐ hoặc giao kết HĐLĐ mới. Nếu NLĐ không đồng ý, hai bên sẽ phải tiếp tục thực hiện theo nội dung HĐLĐ đã giao kết. Đây là quy trình, thủ tục mà doanh nghiệp phải tuân thủ trong trường hợp doanh nghiệp muốn điều chỉnh giảm lương của NLĐ.

Đối với các tranh chấp liên quan đến tiền lương, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến việc doanh nghiệp cắt giảm lương của NLĐ, Tòa án thường đưa ra phán quyết theo hướng có lợi cho NLĐ. Tuy nhiên, thực tế cũng có bản án mà Tòa án đưa ra phán quyết có lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp giảm 20% tiền lương tháng của NLĐ trong thời gian giãn cách do dịch bệnh Covid-19 mà không có sự đồng ý trước của NLĐ với lý do tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Toà án đã căn cứ vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp và NLĐ về việc mức lương, thưởng cụ thể sẽ được thay đổi tùy theo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ; báo cáo tài chính của doanh nghiệp và chỉ thị giãn cách xã hội của Chính phủ để đưa ra quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của NLĐ và cho rằng việc giảm lương của doanh nghiệp là có căn cứ và hợp pháp. Đây là một trong số ít các trường hợp mà Tòa án đứng về phía doanh nghiệp.

Ngoài ra, tùy vào tính chất công việc, vị trí, chức danh của NLĐ mà doanh nghiệp sẽ chi trả các loại phụ cấp khác nhau cho NLĐ, ví dụ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm đối với NLĐ giữ vai trò lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với NLĐ làm các công việc nặng nhọc, độc, nguy hiểm; hay phụ cấp khu vực đối với NLĐ làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, nếu điều kiện để hưởng các khoản phụ cấp này (cụ thể trong trường hợp NLĐ giữ vai trò lãnh đạo, quản lý bị bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức hoặc NLĐ không còn làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không còn làm việc tại các khu vực nói trên nữa) thì doanh nghiệp không được phép tự ý cắt, giảm các khoản phụ cấp này vì đây là một phần của tiền lương. Theo đó, nếu có quy định cụ thể các khoản phụ cấp này trong HĐLĐ, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung HĐLĐ như đề cập ở trên.

Một số lưu ý cho doanh nghiệp khi cắt giảm tiền thưởng của NLĐ

Như đã đề cập, tiền thưởng của NLĐ sẽ được xác định dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Để thuận tiện cho việc điều chỉnh giảm lương của NLĐ, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng cấu trúc lương của NLĐ trong HĐLĐ theo hướng phần lớn thu nhập hàng tháng của NLĐ là tiền thưởng. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp với NLĐ, Tòa án có thể nhận định khoản tiền thưởng này bản chất là tiền lương cố định hàng tháng của NLĐ và yêu cầu doanh nghiệp thanh toán đầy đủ khoản tiền lương này cho NLĐ trong trường hợp doanh nghiệp tự ý cắt giảm. Để tránh rủi ro không mong muốn có thể xảy ra, doanh nghiệp nên xây dựng: (1) quy chế thưởng trong đó quy định rõ về các mức thưởng và điều kiện thưởng đối với từng vị trí công việc; và (2) quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của NLĐ để có cơ sở chứng minh việc cắt, giảm thưởng của NLĐ là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng theo quy định, trước khi ban hành hai quy chế này, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.

Kết

Để cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và NLĐ đồng thời thu hút, “giữ chân” những NLĐ, khuyến khích họ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của mình, doanh nghiệp nên xem xét, cân nhắc xây dựng cấu trúc lương, thưởng phù hợp với khả năng tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và năng lực, trình độ chuyên môn của NLĐ. Việc tùy tiện cắt, giảm lương, thưởng của NLĐ có thể tạm thời tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhưng xét về lâu dài, mối quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và NLĐ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí có thể dẫn đến tranh chấp.



[1] Công ty Luật TNHH Phước và Các Cộng sự

[2] Điều 6.1 và 19.3 của Nghị định 12/2022/NĐ-CP

[3] Điều 6.1, 17.2 và 17.5.(a) của Nghị định 12/2022/NĐ-CP


Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2023

Quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát trên phương tiện giao thông cá nhân – nên hay không nên?

 

Quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát trên phương tiện giao thông cá nhân – nên hay không nên?

(Bùi Quang Tuấn & Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phuoc & Partners) 

Vừa qua, Bộ Công an đã tiến hành lấy ý kiến về Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (lần 4). Tại dự thảo này, không khó để nhận thấy một nội dung mới có tác động trực tiếp đến đại bộ phận người dân chính là quy định về việc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe (camera) trên phương tiện cơ giới, bao gồm cả phương tiện cá nhân. Cụ thể, Bộ Công an đề xuất xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông cần có thiết bị giám sát hành trình và camera hành trình. Tuy nhiên, nội dung này đang có nhiều ý kiến trái chiều vì những lo ngại về tính khả thi và sự ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người tham gia giao thông.  

Chức năng và đặc điểm của thiết bị giám sát và camera trên phương tiện giao thông đường bộ

Trước hết, cần có sự phân biệt giữa thiết bị giám sát và camera hành trình bởi lẽ đây là hai thiết bị độc lập, có công dụng và tính năng hoàn toàn khác nhau. Tuy không được định nghĩa một cách chính thức trong văn bản pháp luật, dựa trên tính năng và đặc điểm, có thể hiểu rằng thiết bị giám sát hành trình (hay còn được biết đến là “hộp đen”) thường được sản xuất dưới dạng hộp vuông hoặc chữ nhật, có khả năng kết nối internet, được gắn vào như môt bộ phận của xe ô tô. Thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi lại và lưu trữ âm thanh, hình ảnh khi ô tô di chuyển hoặc ngay cả khi dừng đỗ và sẽ cung cấp những thông tin quan trọng như lộ trình, tốc độ, vị trí của phương tiện và một số thông tin khác tùy thuộc vào công nghệ được tích hợp[1]. Mặt khác, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe là một dạng camera được gắn bên trong cabin ô tô, hiển thị toàn bộ hình ảnh của người lái xe và các hành khách đang ngồi bên trong xe.

Với các tính năng được mô tả như thế, hai loại thiết bị này được nhiều chủ sở hữu phương tiện trang bị trên xe ô tô của mình bởi tính ứng dụng cao của chúng. Thứ nhất, trang bị này giúp lái xe dễ dàng hơn trong việc quan sát, tránh được những tình huống bất ngờ, di chuyển qua các cung đường chật hẹp, tránh bị hạn chế tầm nhìn khi ngồi trong buồng lái. Thứ hai, các thiết bị này có thể được kích hoạt chức năng gửi hình ảnh và định vị về điện thoại hoặc máy tính của chủ phương tiện, việc này giúp chủ phương tiện theo dõi được lộ trình khi cho người khác sử dụng xe, đề phòng rủi ro bị mất trộm, hay có dữ liệu, hình ảnh để chứng minh trong những tình huống xảy ra tranh cãi khi tham gia giao thông bị va quẹt. Thứ ba, đây là công cụ giúp người dân cung cấp hình ảnh ghi được từ camera hành trình của xe mình và gửi lên cơ quan công an có thẩm quyền nhằm phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông.

Quy định hiện hành về việc lắp đặt thiết bị giám sát và camera trên phương tiện giao thông đường bộ

Hiện nay, quy định bắt buộc trang bị thiết bị giám sát và camera hành trình chỉ mới được áp dụng cho các loại xe vận tải chở người từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe tải chở hàng từ ngày 01/7/2023. Trong đó, thời gian lưu trữ trên thiết bị tối thiểu là 24 giờ với xe có hành trình đến 500 km và tối thiểu là 72 giờ với cự ly trên 500 km. Quy định này bắt nguồn từ việc ngành giao thông đang phải đối mặt với những thách thức trong việc quản lý hoạt động của các loại hình vận tải như xe ghép, xe đi chung và xe trung chuyển. Tuy nhiên, theo các cơ quan quản lý nhà nước, một số xe cá nhân đã tổ chức chở khách liên tỉnh, tạo ra hỗn loạn trong ngành kinh doanh vận tải và gây áp lực lên các đơn vị kinh doanh vận tải khác như taxi và xe chở khách tuyến cố định. Những xe dịch vụ này, hoạt động dưới danh nghĩa xe cá nhân, không đăng ký kinh doanh vận tải và không thay đổi biển số màu vàng, do đó gây ra khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra và xử lý các vi phạm có liên quan.

Do đó, tại điểm c, Khoản 1, Điều 33 Dự thảo lần thứ 4 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã đề xuất nội dung về việc xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông cần có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe[2]. Nếu quy định mới được thông qua, đối tượng áp dụng sẽ rộng hơn, bao gồm toàn bộ xe cá nhân chở người đến 9 chỗ ngồi, máy kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, xe mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Đề xuất này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều mà trong đó nổi bật là vấn đề quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Nếu quy định lắp thiết bị giám sát, thu thập dữ liệu, hình ảnh của người lái xe, tức là camera giám sát bên trong xe thì điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư của cá nhân và lo ngại những hình ảnh nhạy cảm, vị trí, lịch trình di chuyển bị lộ, lọt ra bên ngoài và gây ra những hậu quả không đáng có.

Nhìn ra thế giới, quy định bắt buộc trang bị thiết bị giám sát và camera hành trình được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản và đã có những hướng tiếp cận nhất định. Tại Anh, Luật giám sát hành trình (UK Vehicle Tracking Laws) không chỉ dựa trên các luật cơ bản giống như Việt Nam như Luật Giao thông đường bộ, mà chủ yếu được dựa trên Đạo luật bảo vệ dữ liệu 1998, Đạo luật nhân quyền 1998, Đạo luật Bảo vệ khỏi sự Quấy rối 1997, Quy định về Đạo luật Quyền hạn Điều tra 2000 và cả Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của EU (General Data Protection Regulation – GDPR)[3]. Bởi vì camera giám sát hành trình liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân, các quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân thế nên việc lắp đặt camera quan sát hành trình hiện chỉ được áp dụng cho việc kiểm soát người lao động của các doanh nghiệp, tuy nhiên phải đảm bảo được các quyền cơ bản của người lao động . Tương tự, ở Hoa Kỳ, việc lắp đặt thiết bị giám sát và theo dõi vị trí là bất hợp pháp tại một số bang, và ở một số bang khác thì việc lắp đặt camera hành trình chỉ được thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt[4]. Còn tại Ấn Độ, Bộ Giao thông Đường bộ và Đường cao tốc (MoRTH) chỉ quy định tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm phải trang bị thiết bị theo dõi vị trí[5].

Tác động của quy định bắt buộc lắp đặt camera trên phương tiện giao thông cá nhân

Thứ nhất, vấn đề dễ nhận thấy nhất khi Dự thảo này được thông qua là tác động đến tính kinh tế của chủ sở hữu phương tiện. Hiện nay, có nhiều loại sản phẩm giám sát hành trình và camera trên thị trường với giá dao động từ 1-3 triệu đồng/bộ. Kèm theo công lắp đặt, chủ sở hữu phương tiện cá nhân có thể phải bỏ ra thêm từ 3,5 đến 4 triệu đồng (ngoài tiền mua xe) để tuân thủ quy định trên. Với một số loại sản phẩm tích hợp phần mềm quản lý, truyền dữ liệu, lưu trữ đám mây, người dùng có thể phải trả thêm chi phí sử dụng hàng tháng. Những chi phí này được nhiều người cho rằng là không cần thiết và tốn kém khi chủ sở hữu phương tiện vốn đã phải chi trả một khoản tiền lớn để duy trì việc sử dụng xe thường xuyên. Hơn nữa, khi quy định bắt buộc phải gắn các thiết bị phụ trợ, các nhóm lợi ích sẽ theo đó có thể hình thành để chuyên cung cấp các thiết bị này. Những showroom ô tô cũng có thể câu kết với các đại lý cung cấp thiết bị giám sát và camera để đẩy giá sản phẩm lên cao và người sử dụng sẽ luôn là đối tượng phải gánh chịu sau cùng.

Thứ hai, không phải bất kỳ loại xe nào đang lưu hành trên thị trường cũng có thể lắp đặt các thiết bị nói trên. Đối với những phương tiện cũ, việc lắp đặt thiết bị giám sát và camera hành trình có thể gây ảnh hưởng đến các mạch điện tử, làm phát sinh nguy cơ mất an toàn. Từ đây phát sinh thêm vấn đề về đăng kiểm với một câu hỏi quan trọng đặt ra là can thiệp và lắp đặt các thiết bị trên như thế nào để có thể đảm bảo an toàn và được phép lưu thông.

Thứ ba và cũng có lẽ là vấn đề “nóng” nhất, đó chính là những lo ngại về quyền riêng tư và vấn đề xử lý dữ liệu cá nhân. Với việc Nghị định 13/2023/NĐ-CP được ban hành, dữ liệu cá nhân đã được định nghĩa cụ thể và phần nào có cơ chế để thu thập và xử lý mà không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu. Xét đến trường hợp lắp đặt thiết bị giám sát và camera hành trình ghi lại hình ảnh trong buồng lái, các thông tin thuộc dữ liệu nhạy cảm[6] sẽ được thu thập và lưu trữ. Tuy nhiên, tại Dự thảo lần 4 này, nhà làm luật chưa đưa ra trình tự cụ thể để thu thập, xử lý dữ liệu của chủ phương tiện cũng như các trường hợp nào thì được phép thu thập và xử lý. Hơn nữa, việc thiếu quy định còn có thể dẫn đến sự lạm dụng và xâm phạm thông tin cá nhân bất hợp pháp từ những cá nhân có mục đích xấu. Nếu chưa thể đưa ra một khung pháp lý chặt chẽ và xây dựng một hệ thống lưu trữ, xử lý dữ liệu cá nhân đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được bảo vệ thì đề xuất trên của Bộ Công an chưa thật sư hợp lý tại thời điểm này.

Phản hồi của Bộ Công an về vấn đề này?

Theo như cập nhật mới nhất, đại diện Cục Cảnh sát giao thông đã đính chính trên báo rằng "đây không phải bắt buộc mà lực lượng chức năng chỉ khuyến khích người dân tự lắp camera hành trình trên ô tô cá nhân để bảo vệ mình trong các tình huống mất an toàn giao thông"[7].

Như vậy, có thể nhận thấy Bộ Công an và các cơ quan Nhà nước liên quan cũng đã có sự lắng nghe ý kiến của hàng triệu người dân – những đối tượng đang tham gia giao thông hàng ngày và chịu tác động trực tiếp khi Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023 tới. Việc quy định bắt buộc camera trên phương tiện giao thông cá nhân như câu chữ trong Dự thảo hiện nay là chưa hợp lý và thiếu tính khả thi. Do đó, nhà làm luật cần nêu được chính xác và cụ thể trong văn bản luật chính thức rằng quy định lắp đặt thiết bị giám sát và camera trên phương tiện cá nhân là không bắt buộc và chủ phương tiện được khuyến khích thực hiện nhằm bảo vệ tốt nhất sự an toàn của họ khi tham gia giao thông.

 

 

 

 



[2] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-119230710154209581.htm

[3] “United Kingdom Laws on GPS Tracking”, Rewire Security, 08/02/2019 https://www.rewiresecurity.co.uk/blog/the-united-kingdom-gps-tracking-laws. Truy cập 24/09/2023.

[4] Dryjowicz, Alex. “A comprehensive guide to GPS tracking laws by state.” FreightWaves Ratings, 28/02/2023, https://ratings.freightwaves.com/gps-tracking-laws/. Truy cập 25/09/2023.

[5] “Location tracking device mandatory for vehicles used for carrying hazardous goods.” ET Government, 23 August 2022, https://government.economictimes.indiatimes.com/news/governance/location-tracking-device-mandatory-for-vehicles-used-for-carrying-hazardous-goods/93723097. Accessed 22 September 2023.

[6] Điều 4 Nghị định 13/2023/NĐ-CP

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Giải trình hóa đơn khống: Góc nhìn từ cơ quan thuế và doanh nghiệp

 Nguyễn Thị Thu Thủy & Luật sư Nguyễn Hữu Phước

Tại Công văn 1798/TCT-TTKT về việc rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp (“Công văn 1798”), Tổng cục Thuế đã có yêu cầu doanh nghiệp giải trình làm rõ việc sử dụng hoá đơn khi giao dịch đối với 524 danh nghiệp có rủi ro về hóa đơn. Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh đến thực tế áp dụng Công văn 1798. 

Có tồn tại hành lang pháp lý cho việc giải trình

Mua bán hóa đơn không hợp pháp, hoá đơn khống là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 6.7 Luật Quản lý thuế và có dấu hiệu cấu thành tội trốn thuế, tội mua bán trái phép hóa đơn được quy định trong Bộ luật Hình sự[1]. Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác để xác định các doanh nghiệp có thực hiện hành vi này.

Trước hết, cần xem xét mục tiêu chính của Công văn 1798 là giải pháp mà Tổng cục Thuế thực hiện nhằm đảm bảo rằng các hóa đơn được sử dụng trong giao dịch kinh doanh là hợp pháp và có căn cứ thực tế. Dưới góc độ pháp lý, cơ quan thuế có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và người nộp thuế có nghĩa vụ chấp hành yêu cầu của cơ quan thuế[2].

Có thể thấy rằng lý do Tổng cục Thuế yêu cầu giải trình ở đây là mong muốn các doanh nghiệp hỗ trợ cơ quan thuế trong việc ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm về hoá đơn. Bởi lẽ, trên thực tế, đa phần các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế được thực hiện trên cơ sở liên kết, thông đồng giữa các cá nhân, doanh nghiệp. Do đó, yêu cầu của Tổng cục Thuế là có cơ sở, giúp ngăn chặn và không để bỏ sót tội phạm hình sự.

Công văn “đẩy khó cho doanh nghiệp”?

Nhiều doanh nghiệp đang phải giải trình rất khó khăn với cơ quan thuế dù có mua hàng và được bên bán xuất hóa đơn mua hàng hợp lệ tại thời điểm đó, nhưng lúc quyết toán thì doanh nghiệp bán hàng không kê khai thuế hoặc nay đã bỏ trốn, ngừng kinh doanh.

Yêu cầu giải trình từ các cơ quan thuế  đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp khi họ phải kiểm tra và xác minh tình trạng hóa đơn của đối tác kinh doanh. Các khó khăn có thể kể đến như: (i) doanh nghiệp mua hàng không thể kiểm soát tình hình hoạt động của doanh nghiệp bán hàng vì lúc giao dịch, doanh nghiệp bán hàng vẫn còn đang hoạt động; (ii) doanh nghiệp không chủ động kiểm tra được tính hợp pháp của hoá đơn từ doanh nghiệp bán hàng; (iii) kế toán trưởng/người phụ trách các vấn đề về hóa đơn của doanh nghiệp đã nghỉ việc trong khi người tiền nhiệm không nắm rõ các hóa đơn cũ nên gặp nhiều khó khăn khi giải trình; (iv) doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch trong nhiều năm trước đây, khó tìm kiếm hợp đồng, hóa đơn, chứng từ thanh toán.

Mặt khác, một trong những vấn đề khiến doanh nghiệp thắc mắc là pháp luật hình sự của Việt Nam đã có các quy định về tội trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra các tội phạm hình sự. Do đó, câu hỏi đặt ra là tại sao cơ quan thuế lại cần thiết yêu cầu các doanh nghiệp phải tự giải trình theo yêu cầu của cơ quan thuế? Chính những vấn đề này đã gây ra bức xúc đối với một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp trong thời gian qua.

Doanh nghiệp bị phạt là đúng hay sai?

Trong tình huống trên, doanh nghiệp mua hàng sẽ không bị phạt và vẫn có thể hạch toán hoá đơn vào chi phí nếu doanh nghiệp thực tế có mua hàng và được xuất hoá đơn hợp pháp trước thời điểm doanh nghiệp bán hàng bị cơ quan thuế xác định là doanh nghiệp bỏ trốn hoặc trước ngày cơ quan nhà nước kết luận đó là hoá đơn không hợp pháp[3].

Ngược lại, doanh nghiệp mua hàng sẽ bị phạt nếu có hành vi (i) khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu; hoặc (ii) trốn thuế. Ví dụ, bên mua hàng sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định thì bên mua vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính[4].

Dưới góc nhìn của người chủ doanh nghiệp, việc xử phạt doanh nghiệp có thể xem là không hợp lý nếu doanh nghiệp có hợp đồng mua bán, chứng từ thanh toán hợp lệ liên quan đến việc ghi nhận chi phí được trừ và chứng minh doanh nghiệp có thực chất mua hàng từ doanh nghiệp bán hàng.

Trong khi đó, dưới góc nhìn và quan điểm của cơ quan thuế, các tội phạm về thuế và hóa đơn đa phần mang tính chất thông đồng. Do đó, doanh nghiệp vẫn sẽ bị xử phạt nếu thuộc các trường hợp luật định.

Giải pháp nào cho cơ quan thuế và doanh nghiệp?

Các vụ án liên quan đến mua, bán hóa đơn không hợp pháp ngày càng trở nên phức tạp hơn, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có nhiều chiêu thức tinh vi. Cơ quan thuế không thể có một phương án ngắn hạn mà cần thiết phải thực hiện các giải pháp trong dài hạn.

Với mục đích vừa ngăn chặn sai phạm, vừa không đẩy gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp, một số phương án mà cơ quan thuế có thể cân nhắc và chú trọng thực hiện như sau:

  • Thứ nhất, tiếp tục khoanh vùng các doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp trong số 524 danh nghiệp có rủi ro về hóa đơn thay vì yêu cầu doanh nghiệp giải trình các hóa đơn mua hàng của những doanh nghiệp có rủi ro về thuế nói chung.

Cơ quan thuế có thể lập mẫu Cam kết về tính hợp pháp của hoạt động mua bán và cho phép những doanh nghiệp mua hàng hoá có hoá đơn từ 524 doanh nghiệp rủi ro trên được phép lập Cam kết và chịu toàn bộ trách nhiệm đối với tính hợp pháp của giao dịch. Tại các bước hậu thanh tra, kiểm tra định kỳ tại doanh nghiệp, cơ quan thuế sẽ xác minh hồ sơ thực tế của doanh nghiệp, đối chiếu với cam kết của doanh nghiệp để từ đó có quyết định xử lý phù hợp. Cách thức này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí trong quá trình giải trình tại cơ quan thuế;

  • Thứ hai, cơ quan thuế phải liên tục cập nhật danh sách các doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn để có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời cho các doanh nghiệp khác;
  • Thứ ba, cơ quan thuế cần phải có bước xác định thời điểm ghi nhận hoá đơn đầu vào của doanh nghiệp. Nếu tại thời điểm mua hàng, doanh nghiệp bán hàng vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường và doanh nghiệp mua hàng có hóa đơn, chứng từ đúng theo quy định pháp luật thì được hạch toán vào chi phí được trừ. Cơ quan thuế cần tập trung kiểm tra các nội dung liên quan đến tính hợp pháp và xác thực của giao dịch trước khi quyết định xử lý vi phạm (nếu có);
  • Thứ tư, cơ quan thuế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng hóa đơn tại doanh nghiệp trên cơ sở hằng năm, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp, thanh quyết toán để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; và
  • Thứ năm, cơ quan thuế cần tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại để liệt kê các công ty có dấu hiệu vi phạm về thuế, hóa đơn, đơn cử như các công ty mới thành lập, vốn ít, quy mô nhỏ nhưng giao dịch lớn thì cần đưa vào diện kiểm soát.

Về phía doanh nghiệp, một số biện pháp sau đây có thể giúp doanh nghiệp tránh trường hợp liên quan đến việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp:

  • Thứ nhất, doanh nghiệp cần tìm hiểu, xác minh thật kỹ thông tin về doanh nghiệp bán hàng bằng các kiểm tra trên Cổng thông tin đăng ký kinh doanh, thông tin người nộp thuế, website doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp bán hàng gửi hồ sơ (profile) để kiểm tra lịch sử kinh doanh. Trường hợp có thể, doanh nghiệp nên trực tiếp đến địa điểm kinh doanh của nhà cung cấp trước khi quyết định giao dịch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên cập nhật danh sách các doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc có rủi ro về hóa đơn theo thông báo của cơ quan thuế;
  • Thứ hai, doanh nghiệp cần lưu trữ đầy đủ tất cả các tài liệu liên quan (hợp đồng mua bán, chứng từ thanh toán, phiếu xuất kho, phiếu nhập kho, biên bản giao nhận hàng hóa, biên bản thanh lý hợp đồng, v.v.) để chứng minh tính xác thực của giao dịch khi cơ quan thuế có yêu cầu giải trình;
  • Thứ ba, doanh nghiệp bán hàng phải liên tục cập nhật danh sách các doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn được cập nhật bởi cơ quan thuế để tránh giao dịch với các doanh nghiệp này; và
  • Thứ tư, để tăng tính răn đe, doanh nghiệp có thể thoả thuận tại hợp đồng mua bán về cam kết và nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ rằng doanh nghiệp đó đang sử dụng hoá đơn hợp pháp và không vi phạm các quy định về hóa đơn, thuế. Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận trong trường hợp doanh nghiệp bán hàng có vi phạm về thuế, hóa đơn thì phải chịu phạt vi phạm đối với doanh nghiệp mua hàng. Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm[5].

Với tình hình hiện tại và các vướng mắc khi thực hiện Công văn 1798, Tổng cục Thuế và các cơ quan thuế địa phương có thể sẽ cung cấp hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể hơn cho các doanh nghiệp, giúp họ giải trình một cách hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của cơ quan thuế.


[1] Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015

[2] Điều 17.8 và 19.2 Luật Quản lý thuế 2019

[3] Điều 3.9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP

[4] Điều 142 Luật Quản lý thuế 2019 và Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP

[5] Điều 301 Luật Thương mại 2005

Bài học pháp lý từ “khai thấp giá chuyển nhượng” bất động sản

Nguyễn Thị Thu Thủy & Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phuoc & Partners Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, thị trường bất...