Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

Xuất Hóa Đơn Điện Tử Trong Ngày: Làm Thế Nào Để Khả Thi?


(Phạm Thị Kiều Oanh & Luật sư Nguyễn Hữu Phước)

Để đưa việc sử dụng hóa đơn điện tử (“HĐĐT”) vào thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 78/2021/TT-BTC (“Thông tư 78”) vào ngày 17/9/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, quy định về hóa đơn và chứng từ (“Nghị định 123”), trong đó có quy định thời hạn bắt buộc áp dụng HĐĐT là từ ngày 01/7/2022[1], nổi bật nhất có thể nói là nội dung quy định doanh nghiệp phải “xuất HĐĐT trong ngày” trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật[2]. Tại hội nghị công bố triển khai HĐĐT ngày 21/11/2021 do Tổng cục Thuế tổ chức, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng thực hiện HĐĐT góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc kê khai, nộp thuế, giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế[3]. Đặc biệt hơn, việc triển khai hệ thống HĐĐT còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data), mấu chốt của chuyển đổi số không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với cả doanh nghiệp và nền kinh tế, góp phần quan trọng trong việc phát triển Chính phủ điện tử, đổi mới công tác quản lý Nhà nước[4].

Tuy nhiên, để thay đổi một cơ chế đã tồn tại lâu năm rõ ràng là một thách thức lớn. Theo thống kê của Tổng cục Thuế đến cuối tháng 12/2021 đối với 263.182 doanh nghiệp[5] đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, chiếm 71% tổng số các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của 06 Tỉnh, Thành phố thí điểm HĐĐT theo quy định mới, việc xuất HĐĐT có mã của cơ quan thuế đã phát sinh một số vướng mắc. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ phân tích những vướng mắt đó và đưa ra những đánh giá, đề xuất liên quan đến quy định “phải xuất HĐĐT trong ngày”.

HĐĐT có mã của cơ quan thuế

HĐĐT có mã của cơ quan thuế được hiểu là loại HĐĐT phải được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua[6].

Theo Luật Quản lý thuế, sẽ có 03 trường hợp sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế đó là[7]: (i) doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; (ii) trường hợp rủi ro về thuế cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính; (iii) nếu đang sử dụng hóca đơn không có mã nhưng lại có nhu cầu sử dụng hóa đơn có mã.

Như vậy, không chỉ có các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế phải sử dụng HĐĐT có mã[8] mà phần lớn các doanh nghiệp (chẳng hạn như kinh doanh ăn uống,..) đều phải sử dụng loại hóa đơn này.

Phải xuất HĐĐT trong ngày

Theo quy định mới về HĐĐT tại Nghị định 123 và Thông tư 78, hầu hết các doanh nghiệp không được xuất hóa đơn cách số hay lùi ngày. Nghĩa là, sau khi nhập dữ liệu xuất hóa đơn, doanh nghiệp sẽ thực hiện ký số và gửi lên cơ quan thuế để được cấp mã cho HĐĐT. Sau khi đã có mã trên HĐĐT, doanh nghiệp sẽ gửi hóa đơn cho người mua[9]. Đồng thời, tất cả các hóa đơn bán hàng của doanh nghiệp phải được xuất trước 0 giờ cùng ngày[10]. Quy trình dưới đây miêu tả cụ thể quy trình xuất HĐĐT:

Ngoài ra, Thông tư 78 cũng bổ sung thêm quy định hướng dẫn đối với loại HĐĐT có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, cụ thể: (i) các HĐĐT này phải đảm bảo nguyên tắc quy định tại Điều 11 Nghị định 123[11] và (ii) người bán khi sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế thì có trách nhiệm chuyển dữ liệu HĐĐT có mã của cơ quan thuế đã khởi tạo từ máy tính tiền cho cơ quan thuế ngay trong ngày thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu điện tử[12].

Những điểm bất cập

Theo nội dung nêu trên, việc xuất HĐĐT có mã của cơ quan thuế phải được thực hiện trong ngày, cụ thể, ngay tại thời điểm xuất hóa đơn, doanh nghiệp phải lập tức gửi HĐĐT lên cơ quan thuế để đảm bảo HĐĐT có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, quy định trên lại vướng phải một số vấn đề sau:

-             Thứ nhất, đối với những trường hợp có giao dịch diễn ra vào cuối ngày thì sẽ không thể đáp ứng được nguồn nhân lực luôn túc trực 24/24 để ngay lập tức lập, xuất HĐĐT và gửi cho cơ quan thuế trước 0 giờ cùng ngày[13];

-             Thứ hai, việc một số lượng hóa đơn khổng lồ phải xếp hàng chờ cơ quan thuế cấp cho một cái mã thì mới xuất được hóa đơn sẽ mang lại khả năng nghẽn mạch rất cao. Nếu có nghẽn mạch xảy ra hoặc hệ thống cấp mã bị lỗi hay quá tải thì việc xác định lỗi để quy trách nhiệm cũng là một vấn đề cần cân nhắc;

-             Thứ ba, quá nhiều quy định đổi mới với lộ trình áp dụng khá gấp rút khiến cho doanh nghiệp bị lúng túng, không thể thích nghi nhanh và kịp thời đáp ứng và dẫn theo đó là nhiều hệ lụy chẳng hạn như sự tiêu cực của các quy định pháp luật mới, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn do đại dịch Covid-19 như hiện nay; và

-           Thứ tư, các quy định mới về HĐĐT còn thiếu sự phân hóa đối với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là đối các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ý kiến và đề xuất

Nhận thức rõ tầm quan trọng của HĐĐT trong công tác quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung, thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là Tổng cục Thuế đã hết sức nỗ lực, quyết tâm vào cuộc, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ nhằm sớm đưa HĐĐT vào cuộc sống[14]. Việc triển khai hệ thống HĐĐT thành công sẽ là bước đệm quan trọng tạo nền tảng cơ sở dữ liệu để thực hiện quản lý thuế trên nền tảng số và tăng tốc trong công cuộc chuyển đổi số của ngành tài chính[15].

Để làm được điều này, trước tiên cần giải quyết những bất cập đang tồn tại để có thể nhận được sự hợp tác và ủng hộ của toàn dân và các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện. Cụ thể:

-         Hoàn thiện quy định pháp luật về HĐĐT theo hướng: (i) mở rộng đối tượng được sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế; (ii) miễn trừ trách nhiệm cho doanh nghiệp nếu chậm phát hành HĐĐT nhưng không phải do lỗi của doanh nghiệp (ví dụ: nếu do lỗi hệ thống phần mềm, đường truyền,...), (iii) giới hạn lại thời hạn yêu cầu xuất hóa đơn trong ngày, ví dụ: đối với những giao dịch diễn ra vào cuối ngày (sau 18h – giờ làm việc hành chính) - không thể lập, xuất hóa đơn kịp trong ngày thì phải lập hóa đơn trước 18h của ngày kế tiếp; và (iv) cắt bỏ hoàn toàn quy định xữ phạt xuất hoá đơn không đúng thời điểm trong giai đoạn thí điểm HĐĐT có mã hiện nay cũng như đưa ra lộ trình rõ ràng cho việc áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhất là trong đại dịch Covid-19, nền kinh tế gặp khó khăn;

-            Rà soát hoàn thiện các quy định về các hệ thống tài nguyên thông tin, dữ liệu số có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ phục vụ công tác quản lý thuế mà còn các lĩnh vực khác;

-         Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hơn nữa hệ thống phần mềm quản lý thuế, đường truyền để khắc phục tình trạng hệ thống cấp mã bị lỗi, quá tải. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng có thề cân nhắc phát triển nâng cấp tính năng “cấp mã tự động và/hoặc doanh nghiệp có thể chủ động lấy mã cực kỳ nhanh chóng” để bước này không còn là một vấn đề đáng lo của doanh nghiệp;

-           Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn chi tiết về HĐĐT đến toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng như mở rộng các kênh tương tác để kịp thời hỗ trợ hiệu quả;

-         Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể để triển khai thành công hệ thống HĐĐT, nhất là phối hợp với ngành ngân hàng để thanh toán điện tử, tạo sự minh bạch về tài chính, thuận tiện cho người sử dụng[16];

-         Khuyến khích các doanh nghiệp kết hợp sử dụng các phần mềm hóa đơn điện tử tự động để lập HĐĐT và xuất HĐĐT mọi lúc mọi nơi qua điện thoại di động, website, máy tính; và

-            Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ của đối tác quốc tế để nâng cao năng lực trong nước, đáp ứng yêu cầu về hội nhập, đặc biệt trong lĩnh vực thuế.



[1] Khoản 1 Điều 11 Nghị định 123

[2] Khoản 2 Điều 11 và Khoản 1 Điều 14 Nghị định 123

[3] Tham khảo bài viết: “Kỳ vọng sự đột phá của ngành Thuế trong chuyển đổi số”, Minh Nhật (TBTCVN) đăng trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế_ https://www.gdt.gov.vn/wps/portal/!ut/p/z0/fcwxD4IwFATgv8LSsXmvRQqOBhYkJJoIgS7kCQ2ipkholJ8vYXB0uvuSy4GGCrSl99CTG0ZLz9W1Vk18zuIyKxGj4pRgmudhWaQJ4iWEI-j_g_VhuE-TPoBuR-vM4qDqO-dtsI7hTM3qLa35zL_SOFoYSpSSobuR7T3BkFoSexkovjed4DvjC34VLfLIxw4DESklfHg9dP0FO4PlfA!!/

[4] Tham khảo bài viết: “Chính thức kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử”, Bài: Lan Trung - Ảnh: Bùi Dương đăng trên trang thông tin Tổng cục Thuế - Bộ tài chính_ https://www.gdt.gov.vn/wps/portal/!ut/p/z0/PcrNCoJAGIXhW2njcvi--W1cBlEZklRUOhsZU8SwEXEoLz9RaHXeBw4YyIgQXGm5Rg0pGGc_TW190znbTs6MylGEUazv1-Qi-Q6j2-kQJueY4lbAEUzddsVybV59bzZgnp3z1eghrUu_muF8gIPNJ8_rqu_wj9zbMUCGjAZIKVlCSY5ccEoK5IqIkJdES8ZJiUJppUVFCwZvs3_8AI967rY!/

[5] Tham khảo bài viết: “Kết quả sau 1 tháng sử dụng hóa đơn điện tử”, Hoài Thu đăng trên trang Cổng thông tin điện tử Thanh tra Bộ tài chính_https://mof.gov.vn/webcenter/portal/thanhtrabtc/pages_r/l/chi-tiet-tin-thanh-tra-btc?dDocName=MOFUCM218596

[6] Khoản 3 Điều 89 Luật Quản lý thuế

[7] Điều 91 Luật Quản lý thuế

[8] Tham khảo thêm bài viết: “Hóa đơn điện tử: doanh nghiệp kêu bị ép”, Ánh Hồng – Lê Thanh đăng Báo Tuổi trẻ_ https://tuoitre.vn/hoa-don-dien-tu-doanh-nghiep-keu-bi-ep-20211202080254189.htm

[9] Điều 17 Nghị định 123

[10] Điểm g Khoản 4 Điều 9 Nghị định 123

[11] Khoản 1 Điều 8 Thông tư 78

[12] Điểm d khoản 6 Điều 8 Thông tư 78

[13] Tham khảo thêm bài viết: “Xuất hóa đơn điện tử trong ngày: Doanh nghiệp thức thâu đêm, kế toán xin nghỉ vì quá tải”, Ánh Hồng – Lê Thanh đăng Báo Tuổi trẻ_ https://tuoitre.vn/xuat-hoa-don-dien-tu-trong-ngay-doanh-nghiep-thuc-thau-dem-ke-toan-xin-nghi-vi-qua-tai-20220115221557065.htm

[14] Tham khảo thêm bài viết: “Hội nghị triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, Thành phố”, Thúy Hạnh đăng Cổng thông tin điện tử Thanh tra Bộ tài chính_ https://mof.gov.vn/webcenter/portal/thanhtrabtc/pages_r/l/chi-tiet-tin-thanh-tra-btc?dDocName=MOFUCM215622

[16] Tham khảo thêm bài viết: “Hội nghị triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, Thành phố”, Thúy Hạnh đăng Cổng thông tin điện tử Thanh tra Bộ tài chính_ https://mof.gov.vn/webcenter/portal/thanhtrabtc/pages_r/l/chi-tiet-tin-thanh-tra-btc?dDocName=MOFUCM215622


Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em Trực Tuyến – Mối Lo Thường Trực


(Phạm Thanh Trúc & Luật sư Nguyễn Hữu Phước)

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và giao tiếp trực tuyến trong thời gian qua đã đem lại nhiều thuận lợi cho xã hội trong việc liên lạc, chia sẻ, tiếp cận thông tin thông qua nền tảng internet, mạng xã hội. Tuy nhiên, với việc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội đều dễ dàng tiếp cận các nền tảng trực tuyến đã khiến cho môi trường này trở nên thiếu an toàn và độc hại cho một số đối tượng người dùng nếu họ không biết cách phòng tránh. Một trong những vấn đề nổi lên hiện nay là nguy liên quan đến lạm dụng trẻ em – vốn là đối tượng dễ bị tổn thương thông qua các nền tảng trực tuyến dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Việc cho phép trẻ em tiếp xúc với internet quá sớm chính là con dao hai lưỡi. Bên cạnh những lợi ích về giáo dục thì môi trường trực tuyến còn ẩn chứa nhiều thông tin độc hại như bạo lực, khiêu dâm, chất cấm… và rất nhiều cạm bẫy nhằm lợi dụng sự ngây thơ của trẻ thơ để lạm dụng trực tuyến như lạm dụng tình dục, tình cảm hoặc tống tiền. Môi trường ảo còn là nơi “thuận lợi” cho việc bắt nạt tập thể một ai đó mà đặc biệt là trẻ em khi việc ẩn danh và điều hướng dư luận là vô cùng dễ dàng.

Theo báo cáo của The Internet Watch Foundation (Tổ Chức Giám Sát Mạng Trực Tuyến), năm 2021 đã ghi nhận số lượng dữ liệu có liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến cao kỷ lục với hơn 252,000 tệp dữ liệu, gấp 19 lần năm 2011 với 13,000 tệp dữ liệu được ghi nhận và gấp rưỡi so với năm 2020 với hơn 153,000 tệp dữ liệu. Báo cáo này cũng cho rằng, dịch bệnh Covid-19 có liên quan sâu sắc đến sự gia tăng này. Bởi lẽ, các lệnh giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa dich bệnh đã buộc các trường học phải cho trẻ em học trực tuyến thay vì học tại trường như truyền thống nhằm bảo vệ sức khoẻ cho các em. Các bậc phụ huynh không còn cách nào khác là phải cho con em của họ tiếp xúc với mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác để việc học không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, việc bị “mắc kẹt” tại nhà cũng ảnh hưởng rất nhiều đến phương thức giao tiếp và nhu cầu bày tỏ bản thân của trẻ em, từ đó dễ dàng bị lạm dụng hơn.

Một tin vui là phần lớn các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã nhận thức được tầm nguy hiểm của các nền tảng trực tuyến và đã ban hành hành lang pháp lý để điều chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm. Vào ngày 12/06/2018, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Luật An ninh mạng. Theo đó, Luật này nghiêm cấm đăng tải các thông tin trên không gian mạng mà có nội dung làm nhục, vu khống, các hành vi chiếm đoạt, làm lộ bí mật cá nhân và đời sống riêng tư xâm phạm danh dự, uy tín,…. nhằm ngăn chặn, hạn chế và xử lý các hành vi lạm dụng tình dục trực tuyến mà đặc biệt là đối với trẻ em.

Việt Nam cũng là một trong những thành viên đầu tiên của Công Ước Của Liên Hiệp Quốc Về Quyền Trẻ Em từ năm 1990 cùng với 190 quốc gia khác với cam kết bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần bao gồm mọi hình thức lạm dụng và xâm hại trẻ em… Ngay sau đó, Việt Nam cũng đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em - tiền thân của Luật Trẻ em hiện hành vào năm 1991. Việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của trẻ em còn được tìm thấy trong nhiều văn bản pháp luật mà điển hình là Luật Hình sự, theo đó, các tội phạm có liên quan đến trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tình tiết tăng nặng[1].

Vai trò của người lớn trong việc bảo vệ trẻ em

Vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến không hề mới mà đã được các chuyên gia cảnh báo từ rất sớm khi internet bắt đầu phổ biến vào những năm 2000. Các thủ đoạn và hình thức tiếp cận, lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến ngày càng tinh vi nhằm tách trẻ em ra khỏi tầm quản lý của người lớn và lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để đe doạ tình dục, tống tiền và sử dụng các hình thức ép buộc tình dục khác cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến.

Đã có nhiều những vụ lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến lặng lẽ xảy ra xung quanh chúng ta, chẳng hạn như vụ việc tại tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020, một bé gái tên T 12 tuổi đã bị thanh niên Nguyễn Anh Tuấn dụ dỗ gửi ảnh “nóng” cho mình rồi sau đó đe doạ em T phải quan hệ tình dục và tống tiền nếu không sẽ phát tán những hình ảnh nhạy cảm đó. Vì quá sợ hãi mà em T đã đồng ý quan hệ nhiều lần với Tuấn và vụ việc chỉ được gia đình biết khi Tuấn liên tục tống tiền và T không có tiền để đưa cho nên kể lại loại toàn bộ sự việc cho người thân. Sau đó, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt giam và khởi tố hình sự Tuấn[2].

Sự việc đau lòng trên chỉ là một trong hàng loạt các vụ lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến khác. Trong nhiều trường hợp, trẻ em hầu như không biết cách tự bảo vệ nếu thiếu sự hướng dẫn của người lớn, trẻ em thường có tâm lý che giấu việc mình đang bị xâm hại hoặc đe doạ vì sợ hãi hoặc không biết phải nói với ai, nói thế nào.

Vậy chúng ta có thể làm gì để bảo vệ con của mình và những trẻ em khác khỏi các nguy cơ bị lạm dụng tình dục trực tuyến?

Thứ nhất, phụ huynh cần trang bị kiến thức cho con mình có liên quan đến lạm dụng tình dục trực tuyến, các hình thức mà các đối tượng lạm dụng hay sử dụng đồng thời đưa ra những tình huống thực tế để con cái mình dễ hiểu hơn. Ở Việt Nam, người lớn thường tránh né việc giáo dục giới tính và đề cập các vấn đề có liên quan đến giáo dục sức khoẻ sinh sản cho trẻ em. Tuy nhiên, quan điểm này có phần sai lầm vì trẻ em sẽ rất dễ dàng bị dụ dỗ hoặc mắc bẫy của kẻ xấu hơn nếu không được những người lớn cảnh báo để nhận biết nguy hiểm từ sớm. Việc cởi mở với trẻ em về các vấn đề có liên quan đến giới tính và sinh sản sẽ giúp trẻ em dễ dàng chia sẻ những vấn đề mà mình đang gặp phải thay vì giấu diếm vì tâm lý sợ cha mẹ trách mắng. Từ đó, chúng ta có thể can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn những mối nguy hiểm đang rình rập quanh trẻ em và tránh những hậu quả đáng tiếc.

Thứ hai, cần giáo dục trẻ em để chúng có thể nhận thức được các quyền của bản thân trong việc được bảo vệ khỏi những mối nguy hiểm trong xã hội. Điều này giúp củng cố sự tự tin của trẻ em khi đứng trước bất kỳ một lời đe doạ hoặc uy hiếp nào và trẻ em sẽ nhanh chóng thông báo với người lớn biết để có hướng xử lý tốt nhất. Vì thế, để cho trẻ em nhận thức được vấn đề này thì người lớn phải giáo dục các kiến thức cơ bản về quyền của trẻ em bằng ngôn ngữ và cách thức phù hợp với độ tuổi của từng trẻ nhằm đảm bảo rằng các em hiểu được nội dung mà người lớn muốn truyền đạt.

Thứ ba, hướng dẫn hướng xử lý cụ thể cho trẻ khi gặp phải các tình huống bị đe doạ lạm dụng hoặc lạm dụng tình dục trực tuyến. Ví dụ, khi nhận thấy dấu hiệu nguy hiểm, các em cần liên hệ ngay cha, mẹ, chị, hoặc giáo viên hay thậm chí là cảnh sát gần nhất. Nếu không thể liên lạc được, các em cần biết đường dây nóng của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, nơi tiếp nhận thông tin tố giác có liên quan đến xâm hại trẻ em, hướng dẫn trẻ em cách xử lý và cùng các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ trẻ em, can thiệp và ngăn chặn các hành vi vi phạm kịp thời. 

Thứ tư, quản lý các thông tin mà trẻ em được truy cập trên internet. Đây là giải pháp vô cùng quan trọng nhằm ngăn chặn từ đầu các nguy cơ trẻ em bị các đối tượng xấu tiếp cận. Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng được thiết kế riêng phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ em. Phụ huynh phải quản lý các ứng dụng mà trẻ em được phép tiếp cận để tránh việc chúng tải xuống những phần mềm độc hại hoặc các phần mềm không phù hợp với độ tuổi của mình (thường chúng sẽ được cảnh báo tại thông tin ứng dụng trước khi tải xuống).

Tuy nhiên bất kỳ phương thức và ứng dụng nào cũng có những sai số nhất định, không có phương thức nào được xem là an toàn tuyệt đối. Việc bị lạm dụng tình dục trực truyến có thể gây ra những tổn thương cho trẻ em trong suốt quá trình phát triển cho đến khi trưởng thành. Trẻ em là đối tượng yết ớt và dễ bị tổn thương nhất và vì thế chúng ta cần đặt biệt quan tâm và thường xuyên để ý đến sự khác thường của trẻ em để đảm bảo rằng các em được bảo vệ khỏi bạo lực, bóc lột và lạm dụng trên internet và có một tuổi thơ vô tư, an toàn và khoẻ mạnh về cả thể chất và tinh thần.



[1] Điều 52 Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13

[2] https://nld.com.vn/phap-luat/be-gai-12-tuoi-bi-tong-tien-tinh-sau-khi-gui-anh-nong-cho-ban-trai-17-tuoi-quen-qua-mang-xa-hoi-2020092113483508.htm

Doanh nghiệp trốn đóng BHXH: Từ vi phạm hành chính đến tránh nhiệm hình sự

                      Nguyễn Hoàng Giang, Đào Thị Trúc Vi & Luật sư Nguyễn Hữu Phước Dưới tác động tiêu cực của khủng hoảng và suy tho...