Thứ Năm, 23 tháng 12, 2021

Xuất Bản Và Phát Hành Sách Trên Sàn Thương Mại Điện Tử Thế Giới –Vấn Đề Còn Bỏ Ngỏ

 

Xuất Bản Và Phát Hành Sách Trên Sàn Thương Mại Điện Tử Thế Giới –Vấn Đề Còn Bỏ Ngỏ

(Phan Huy Quyền, Nguyễn Tuấn Anh & Luật sư Nguyễn Hữu Phước)

Như một lẽ tất yếu của sự phát triển xã hội, việc phát hành và xuất bản sách hiện không còn bị giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia bởi sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử (“STMĐT”) quốc tế. Trong đó, một số STMĐT quốc tế được xem như “nhà sách” khổng lồ như Amazon, Google Book đã và đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường xuất bản sách. Các STMĐT này có số lượng sách khổng lồ, đa ngôn ngữ, nhiều thể loại dành cho mọi lứa tuổi và đối tượng độc giả. Bên cạnh đó, các STMĐT quốc tế luôn bắt nhịp xu hướng phát triển của thế giới qua việc ứng dụng các công nghệ mới vào từng khâu của phát hành và xuất bản sách. Không đứng ngoài xu thế chung, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phát hành và xuất bản sách tại Việt Nam đã và đang từng bước tham gia vào STMĐT quốc tế để có thể mở rộng thị trường và tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, việc phát hành và xuất bản sách qua các STMĐT quốc tế cũng tồn tại những vấn đề nan giải cần được giải quyết mà bài viết này sẽ đề cập.

Độ chênh của quy định về phát hành, xuất bản sách tại Việt Nam và STMĐT quốc tế

Luật Xuất bản năm 2012 đưa ra khái niệm “phát hành” [1] bao gồm nhiều hình thức như mua, bán, phân phát, tặng, cho, cho thuê, cho mượn, xuất khẩu, nhập khẩu, hội chợ, triển lãm để đưa xuất bản phẩm (là các loại sách in, sách điện tử) đến tay người tiêu dùng. Như vậy, việc bán sách trên các STMĐT quốc tế cũng được xem là một hình thức phát hành sách trên thị trường. Theo đó, cơ sở phát hành sách là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập phải tuân thủ điều kiện hoạt động bao gồm: i) người đứng đầu cơ sở phát hành phải thường trú tại Việt Nam; có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về phát hành xuất bản phẩm do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm cấp; ii) có một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; iii) có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm. Trước khi hoạt động, cơ sở phát hành là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập còn phải đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm với cơ quan quản lý hoạt động xuất bản[2]. Đối với cơ sở phát hành là hộ kinh doanh thì phải đáp ứng các điều kiện: i) Chủ hộ phải thường trú tại Việt Nam; ii) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; iii) Có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm. Ngoài ra, việc phát hành còn được Luật Doanh nghiệp điều chỉnh, theo đó, doanh nghiệp khi phát hành sách phải đăng ký lĩnh vực hoạt động với mã ngành: i) 46497: Bán buôn sách, báo, tạp chí, văn phòng phẩm; ii) 47610: Bán lẻ sách, báo, tạp chí, văn phòng phẩm trong các cửa hàng chuyên doanh[3].

Bên cạnh đó, Luật Xuất bản năm 2012 còn quy định xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua phương tiện điện tử. Theo đó, xuất bản là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện[4] cho cả sách in và sách điện tử. Cụ thể, doanh nghiệp xuất bản sách phải đảm bảo các yếu tố: (i) doanh nghiệp kinh doanh sách phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn về nhân sự cho các chức danh là: tổng giám đốc (giám đốc) và tổng biên tập nhà xuất bản[5]; (ii) phải đảm bảo diện tích tối thiểu của trụ sở đăng ký, đảm bảo vốn pháp định theo yêu cầu của pháp luật, cho đến trang thiết bị vận hành[6]; và (iii) phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch và chính sách của Nhà nước về quy hoạch phát triển hoạt động xuất bản[7]. Như vậy, khi một doanh nghiệp muốn tiến hành hoạt động xuất bản sách (hay còn gọi nhà xuất bản) tại Việt Nam, doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định về các chức danh, vốn pháp định, cơ sở vật chất cũng như phải phù hợp với các chiến lược, kế hoạch và chính sách của Nhà nước. Việc quy định cụ thể và chặt chẽ như vậy nhằm tránh trường hợp việc xuất bản được thực hiện một cách tùy tiện và không có kiểm soát dẫn đến những đầu sách có nội dung sai lệch, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc nghiêm trọng hơn là xâm phạm an ninh, trật xã hội.

Trái ngược với việc phát hành và xuất bản sách tại Việt Nam, khi tham gia vào các STMĐT quốc tế, các tác giả, nhà xuất bản và nhà phát hành chỉ cần tuân thủ chính sách và chương trình của STMĐT quốc tế mà họ tham gia. Như vậy, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể tham gia phát hành và xuất bản sách trên STMĐT quốc tế một cách độc lập, nhanh chóng mà không cần đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định như khi phát hành và xuất bản sách ở mỗi quốc gia.

Có thể lấy Amazon Kindle Direct Publishing (KDP)[8] là một ví dụ điển hình cho việc tự xuất bản. KDP cho phép bất kỳ ai cũng có thể xuất bản sách trên STMĐT Amazon với các định dạng như: ebook (sách điện tử đọc trên các thiết bị điện tử)audio book (định dạng âm thanh, sách đọc để nghe trên các thiết bị) và paperback  (sách giấy được in ra và vận chuyển đến độc giả). Để có thể tham gia xuất bản trên nền tảng KDP, các cá nhân, tổ chức chỉ cần đăng ký một tài khoản, cung cấp thông tin và cam kết sẽ tuân thủ chính sách chung của KDP. Có thể hiểu rằng, các cá nhân, tổ chức tham gia không cần đáp ứng điều kiện luật định dành cho xuất bản như vốn pháp định, diện tích trụ sở và các quy định khác như khi xuất bản trong nước. Vì vậy, bán sách trên KDP được xem là thiên đường cho tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành nào muốn tự xuất bản và phát hành sách một cách độc lập, nhanh chóng nhưng vẫn tiếp cận được số lượng lớn khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trên, KDP cũng đã và đang tạo điều kiện cho cả những bên có ý định xuất bản sách xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc sách có nội dung sai lệch, xuyên tạc văn hóa, lịch sử.

Những vấn đề nan giải cần được giải quyết

Có thể nhận thấy, các nhà làm luật đã đặt ra nhiều quy định về phát hành và xuất bản sách trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, khi thế giới đang ngày càng phẳng và các STMĐT quốc tế là một “chợ phiên xuyên biên giới”, pháp luật Việt Nam khó lòng điều chỉnh đối với việc xuất bản và phát hành sách của các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành trên các STMĐT quốc tế. Với sự linh hoạt trong chính sách về xuất bản và phát hành của các STMĐT quốc tế, một số vấn đề nan giải đang tồn tại và gây ảnh hưởng không nhỏ đến các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành trong nước.

i.             Vấn đề kiểm duyệt và nạn sách lậu

Hiện nay, mặc dù các STMĐT quốc tế đều có chính sách liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, nhưng những chính sách này vẫn chưa ngăn cản được các STMĐT quốc tế dần trở thành “chợ đen” của nạn buôn bán sách xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Như đã đề cập ở trên, khi tự xuất bản sách, người đăng tải không cần lo lắng về giấy phép xuất bản sách hay kiểm duyệt như hoạt động xuất bản truyền thống trong nước. Bởi lẽ, tại các STMĐT thế giới, dường như độc giả hoặc các bên có lợi ích bị ảnh hưởng mới là bên phải tự mình “hậu kiểm”. Do đó, có những quyển sách xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc có nội dung sai lệch, xuyên tạc văn hóa, lịch sử vẫn được bày bán trên các STMĐT quốc tế.

Thực tế, chính sách của các STMĐT thế giới cho phép các đầu sách có thể được bán trực tiếp từ các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành hoặc do một bên thứ ba được cho phép. Tuy nhiên, các STMĐT quốc tế lại không có cơ chế để "tiền kiểm" chất lượng sách bán ra dẫn đến khá nhiều sách bán ra là sách giả, in lậu, không có bản quyền, nhảm nhí, kể cả sách sao chụp[9]. Bên cạnh đó, mặc dù các STMĐT quốc tế sẵn sàng tích hợp nhiều tính năng để tăng trải nghiệm, bảo vệ người mua hàng, nhưng chính các STMĐT quốc tế lại chậm trễ trong việc giải quyết khiếu nại về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, nếu phát hiện một tài khoản có hành vi buôn bán sách giả hoặc xâm phạm bản quyền, hình thức giải quyết STMĐT quốc tế thường làm chỉ đơn giản là…. giữ lại các khoản thanh toán và tạm dừng hoặc chấm dứt tài khoản đó.

Có nhiều ý kiến cho rằng đây là cách làm thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh STMĐT quốc tế khi không “tiền kiểm” ngay từ đầu, các STMĐT quốc tế lại đưa ra lập luận họ không có trách nhiệm bảo đảm nội dung của sách bày bán không xâm phạm quyền mà chính các tài khoản đăng bán sách trên STMĐT phải trung thực và có thiện ý. Và một lần nữa, nhà xuất bản lại đi vào một cuộc chiến không có hồi kết với các STMĐT quốc tế để bảo vệ sách của mình.

ii.           Số lượng hơn chất lượng

Thực tế, nhiều tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành trên các STMĐT quốc tế có quan điểm rằng việc xuất bản số lượng lớn đầu sách có thể tạo ra doanh thu quan trọng hơn là chất lượng của từng quyển sách. Theo đó, các cá nhân, tổ chức có ý định trục lợi từ khe hở chính sách của STMĐT quốc tế sẽ lợi dụng các tính năng quảng cáo có trả phí trên STMĐT quốc tế để giới thiệu sách kém chất lượng hoặc đạo nhái. Cụ thể, mỗi khi có quyển sách nào bán chạy, ngay lập tức hàng loạt sách lấy danh nghĩa tóm tắt, rút gọn cho người bận rộn sẽ ra đời, hoặc có trường hợp những quyển sách có tựa đề ăn theo tên tác phẩm gốc để gây hiểu lầm cho những người muốn mua tác phẩm gốc. Các bên có ý định trục lợi sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để mua các gói quảng cáo trả phí từ STMĐT quốc tế để sách của họ sẽ là các kết quả đầu tiên mỗi khi khách hàng gõ vào ô tìm kiếm sản phẩm.

Vì vậy, ngoài nạn sách “lậu”, các tác giả và nhà xuất bản phải cạnh tranh với những quyển sách ăn theo, đạo nhái nội dung, hình ảnh từ sách gốc. Do đó, mỗi khi ai đó mua phải một quyển sách kém chất lượng hoặc đạo nhái, tác giả, nhà xuất bản và người mua là những bên luôn chịu thiệt hại, còn các STMĐT thì không. Ngoài doanh thu từ gói quảng cáo do các bên chi trả, doanh thu của họ còn tăng lên từ việc ghi nhận đã bán được một quyển sách kém chất lượng hoặc đạo nhái như khi bán sách gốc. Cuối cùng, những người bị thiệt hại vẫn chính là các tác giả, nhà xuất bản và người mua sách.

Một số đề xuất

Với xu thế ngày càng phát triển của việc mua bán sách trên STMĐT quốc tế, đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các STMĐT quốc tế trong việc quản lý các đầu sách được xuất bản hoặc phát hành trên nền tảng của họ. Bên cạnh đó, các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành khi xuất bản sách trên các STMĐT quốc tế cũng cần ý thức và có trách nhiệm trong việc đảm bảo các yếu tố về sở hữu trí tuệ và nội dung nhằm tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh. Cuối cùng, trong cuộc chiến kiểm duyệt nội dung, mỗi độc giả cần lên tiếng và báo cáo cho các STMĐT quốc tế, cơ quan bảo vệ quyền tác giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về những xâm phạm bản quyền nào mà họ cho rằng đang ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành.

Tóm lại, việc tham gia các STMĐT quốc tế là một xu thế tất yếu mà các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành và người mua sách không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà các STMĐT quốc tế mang lại, việc mua bán, phát hành và xuất bản sách thông qua STMĐT quốc tế cũng nhiều vấn đề nan giải cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các sàn STMĐT quốc tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành, người mua sách trong nước.



[1] Khoản 1 Điều 4 Luật Xuất bản năm 2012

[2] Khoản 1 Điều 37 Luật Xuất bản năm 2012

[3] Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam

[4] Điều 13 Luật Xuất bản năm 2012

[5] Điều 17 Luật Xuất bản năm 2012

[6] Điều 8 Nghị định 195/2013/NĐ-CP

[7] Điều 19.3 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018

[9] https://tuoitre.vn/sach-gia-long-hanh-amazon-van-thu-phi-hoa-hong-20190706112634511.htm

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

Tại Sao Singapore Là Điểm Đến Của Start Up Việt Nam Khi Thành Lập Công Ty Holding?

 

Tại Sao Singapore Là Điểm Đến Của Start Up Việt Nam Khi Thành Lập Công Ty Holding?

(Phạm Thanh Trúc & Nguyễn Ngọc Phúc Đăng & Luật sư Nguyễn Hữu Phước)

Tiki (sàn thương mại điện tử uy tín hàng đầu tại Việt Nam), đã cho ra đời Tiki Global vào tháng 5/2021 và cùng góp mặt với nhiều startup đáng chú ý khác của Việt Nam chẳng hạn như Base, Cốc Cốc, Luxstay, Fika, hay nhà phát triển game Axie Finity mới nổi thành lập các công ty holding tại Singapore. Vậy tại sao Singapore lại được chọn là điểm đến của nhiều startup Việt Nam khi họ muốn phát triển ra thị trường nước ngoài? Các startup này đều có một điểm chung đó chính là họ đang trong giai đoạn gọi vốn và có nhu cầu rất cao về nguồn vốn huy động, vậy thì có những lý do gì để lý giải cho xu hướng thành lập công ty holding tại Singapore?

Môi trường pháp lý thân thiện với doanh nghiệp

Không phải tự nhiên mà Singapore lại được nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn là nơi thành lập công ty holding khi đầu tư vào thị trường Đông Nam Á. Bí quyết của Singapore nằm ở thể chế chính trị ổn định[1] cùng với hệ thống pháp lý chú trọng vào việc thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng bất ổn chính trị của Hong Kong vẫn còn đó khiến cho lãnh thổ này không còn nhận được nhiều sự ưu ái của các nhà đầu.

Đầu tiên, thủ tục để thành lập một doanh nghiệp tại Singapore vô cùng đơn giản. Thời gian cho thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho đến khi công ty được thành lập hợp pháp là chưa đến một tuần với số vốn tối thiểu chỉ từ 1 đô Singore[2]. Bên cạnh đó, Singapore có hành lang pháp lý về luật sở hữu trí tuệ và bảo mật thông tin phát triển, cùng với hệ thống pháp lý và hướng dẫn thi hành chi tiết được xây dựng rất tiến bộ qua nhiều năm.

Chủ sở hữu doanh nghiệp tại Singapore sử dụng tài khoản ngân hàng của công ty đã được đăng ký để chi tiêu cũng rất dễ dàng chứ không phải quá lo lắng về hóa đơn, hợp đồng, kê khai chi phí hơp lý, hợp lệ hay đóng thuế nhà thầu như ở Việt Nam. Các thủ tục hành chính doanh nghiệp tại Singapore cũng được công nghệ hóa ở mức độ cao tạo ra sự đơn giản và minh bạch hơn rất nhiều. Trong khi đó, các thủ tục hành chính tại Việt Nam vẫn thường rườm rà, đặc biệt là các quy định pháp luật không được rõ ràng tạo cơ hội cho nhiều cách giải thích luật khác nhau, dẫn đến sự không nhất quán trong khâu thi hành và tuân thủ pháp luật.

Vì lý do trên, Singapore đã và đang trở thành nơi có môi trường cạnh tranh lành mạnh và đáng tin cậy hơn trong mắt của các nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những bằng chứng đó là trong các hợp đồng thương mại quốc tế, các cơ quan tài phán của Singapore, chẳn hạn như là tòa án hay trung tâm trọng tài (SIAC), thường được chọn là địa điểm để giải quyết các tranh chấp đa quốc gia.

"Virtual office" và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Nếu để ý, chúng ta có thể nhận thấy rằng các startup Việt Nam thường có chung địa chỉ trụ sở holding tại Singapore. Lý giải cho việc này là tại quốc gia này, dịch vụ cho thuê những văn phòng ảo (virtual office) để đặt làm trụ sở văn phòng các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất phổ biến. Với hình thức văn phòng ảo, người chủ của công ty sẽ thuê địa chỉ công ty, lễ tân để nhận điện thoại của khách hàng, dịch vụ nhận hàng/bưu phẩm, và các dịch vụ khác chẳng hạn như kế toán tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp. Giải pháp này giúp tiết kiệm chi phí hoạt động nhưng vẫn giúp cho doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động kinh doanh một cách bình thường. Việc địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp được đặt ở các vị trí trung tâm của Singapore cũng giúp cho hình ảnh doanh nghiệp trở nên đáng tin cậy hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Singapore có mức thuế trần thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) là 17%[3], được đánh giá là một trong những quốc gia có mức thuế TNDN tương đối thấp. Ngoài ra phải kể đến đó chính là các chính sách thuế ưu đãi dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp (Chương trình miễn giảm thuế cho doanh nghiệp mới thành lập) và doanh nghiệp có thu nhập thấp (Chương trình miễn thuế một phần) [4] rất hấp dẫn. Nếu muốn thoái vốn góp, các chủ sở hữu doanh nghiệp tại Singapore cũng không phải mất thuế trên lãi bán tài sản thay vì phải chịu thuế 20% như tại Việt Nam[5].

Cơ hội kêu gọi vốn và mở rộng doanh nghiệp ở Singapore thuận lợi hơn rất nhiều

Đối với các doanh nghiệp startup, nguồn vốn là yếu tố vô cùng quan trọng, đặt biệt là trong giai đoạn đầu mới thành lập, vì thế cần phải có hành lang pháp lý làm sao để tạo thuận lợi cho dòng tiền đầu tư. Singapore là nơi thu hút rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài và đang tạo nên một thị trường kêu gọi vốn sôi động tạo đầy cơ hội cho các doanh nghiệp startup.

Singapore đã thành lập quỹ với nguồn vốn lên đến 1,5 tỷ SGD (tương đương với khoảng 1,1 tỷ USD) để hỗ trợ cho các đợt huy động vốn và Phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp[6], và cho phép thành lập các công ty mua có mục đích đặc biệt được gọi bằng tiếng Anh là Special purpose acquisition companies (hay APACs), như một biện pháp để giúp tăng trưởng thị trường chứng khoán của nước này. SPACs thật ra chỉ là các công ty "rỗng", không có hoạt động thương mại, được thành lập chỉ nhằm mục đích chính là kêu gọi vốn thông qua IPO với mục đích mua lại hoặc sáp nhập một công ty khác và đưa công ty đó lên sàn chứng khoán. Việc huy động vốn thông qua SPACs đã giúp cho các doanh nghiệp startup không phải đáp ứng các điều kiện IPO thông thường theo quy định của pháp luật Singapore - những yêu cầu mà đa phần các doanh nghiệp startup đang trong giai đoạn phát triển khó đáp ứng.

Theo quy định của pháp luật Singapore, các cổ đông mới có thể nhanh chóng góp vốn và tham gia điều hành doanh nghiệp mà không phải tốn quá nhiều thời gian vào các thủ tục đầu tư. Việc các chủ doanh nghiệp lựa chọn đầu tư và phát triển doanh nghiệp sang nước khác cũng dễ dàng hơn. Quy định của Việt Nam đối với việc đầu tư ra nước ngoài khá khắc khe, bao gồm các yêu cầu về việc được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam, và quan trọng hơn hết là có sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong khi đó, Chính phủ Singapore lại không quá đặt ra các giới hạn đối với các doanh nghiệp trong nước khi họ đầu tư ra nước ngoài[7]. Vì Singapore có thị trường nội địa nhỏ cho nên Chính phủ Singapore luôn khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm thị trường và lợi nhuận. Như vậy, công ty holding của các doanh nghiệp startup Việt Nam được đặt ở Singapore có thể thoải mái kinh doanh tại Việt Nam hay mở rộng hoạt động kinh doanh sang những nước khác mà không gặp phải nhiều trở ngại pháp lý ban đầu như ở Việt Nam.

Có thể nói rằng, việc các doanh nghiệp startup thành lập công ty holding tại Singapore là còn vì phương hướng phát triển lâu dài, với mục tiêu là huy động vốn tại các thị trường tài chính lớn khác chẳng hạn như Hoa Kỳ hay Hong Kong để nhanh chóng mở rộng quy mô kinh doanh.

"Chảy máu chất xám"?

Có ý kiến cho rằng đây có thể được xem như là tình trạng chảy máu chất xám và lo sợ các doanh nghiệp startup phát triển thần kỳ của Việt Nam sẽ dần dần bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm. Công ty holding được xem là một công ty mẹ được thành lập với mục đích sở hữu đủ số cổ phiếu cần thiết để kiểm soát một hoặc nhiều công ty khác. Với việc công ty holding được thành lập tại Singapore sở hữu cổ phần của công ty Việt Nam thì các doanh nghiệp startup này, về mặt pháp lý, không còn là một doanh nghiệp Việt Nam nữa mà được xem như là một công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Vì thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn cộng với các ưu đãi doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp startup sẽ có lý do để chuyển dịch phần lớn lợi nhuận cho công ty holding tại Singapore và chỉ chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam ở mức tượng trưng. Đặc biệt, theo quy định về thuế của Singapore, thu nhập từ cổ tức, tiền lãi cho vay được miễn hoàn toàn thuế thu nhập cá nhân[8]; các khoản lợi nhuận từ thặng dư vốn như bán cổ phiếu, trái phiếu cũng không bị đánh thuế[9]. Cho nên, các nhà đầu tư nước ngoài càng có lý do để ra điều kiện yêu cầu các doanh nghiệp start up Việt Nam báo lợi nhuận và chia cổ tức ở Singapore, thay vì ở Việt Nam, thì họ mới chấp nhận tham gia đầu tư vốn vào. Trong khi đó, thuế suất thuế thu nhập cá nhân trên giá trị cổ tức ở Việt Nam đang là 5%[10]. Điều này khiến cho Việt Nam mất đi một nguồn lớn thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

Trên thực tế, khi “quốc tịch” của các doanh nghiệp vẫn được đặt ở nước ngoài thì trước mắt các quy định hỗ trợ các doanh nghiệp startup của Chính phủ Việt Nam trở nên không còn nhiều ý nghĩa bởi vì các khoản hỗ trợ đã chuyển thành lợi nhuận để đem đi đóng thuế tại Singapore. Sâu xa hơn, khi các doanh nghiệp trong nước lần lượt chuyển dịch công ty holding ra nước ngoài sẽ khiến cho các nhà đầu tư khác đặt câu hỏi về mức độ uy tín khi đầu tư tại Việt Nam và tạo một hình ảnh thị trường không mấy tốt đẹp đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chưa kể, việc các doanh nghiệp không còn “mặn mà” với việc đặt trụ sở chính tại Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành, nghề hậu cần có liên quan chẳng hạn như ngân hàng, pháp lý.... khi mất đi một lượng khách hàng tiềm năng.

Để cải thiện tình trạng này, chúng ta cần đánh giá lại, học hỏi và có các thay đổi tích cực bao gồm thứ nhất là cải cách hành chính để giảm thiểu các thủ tục đầu tư cũng như thời gian mà doanh nghiệp cần phải thực hiện để doanh nghiệp thoải mái tập trung cho hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, các nhà làm luật cũng nên lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp để điều chỉnh các quy định pháp luật một cách hợp lý và nhất quán hơn nhằm tránh tình trạng luật chồng chéo gây khó khăn trong cách hiểu và thi hành pháp luật. Việc tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng và có các chính sách ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp starup hợp lý sẽ giúp khuyến khích các doanh nghiệp starup hào hứng trong việc thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.


[1] Singapore là một nước cộng hòa nghị viện đa đảng nhất thể, có chính phủ nghị viện nhất viện theo hệ thống Westminster. Đảng Hành động Nhân dân giành chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử kể từ khi Singapore tự trị vào năm 1959

[2] Registered capital requirements in Singapore: Explained, [https://singapore.acclime.com/guides/registered-capital-requirements/]

 

 

[3] Corporate income tax rate in Singapore, [https://www.iras.gov.sg/quick-links/tax-rates/corporate-income-tax-rates]

[4] Tax Exemption Scheme for New Start-up Companies & Partial Tax Exemption Scheme for Companies, [https://www.iras.gov.sg/taxes/corporate-income-tax/basics-of-corporate-income-tax/corporate-income-tax-rate-rebates-and-tax-exemption-schemes]

[5] Khoản 4, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC

[6] Yen Nee Lee, Singapore government announces $1 billion new fund to boost local stock market, 16/09/2021. [https://www.cnbc.com/2021/09/17/singapore-government-sgx-announce-measures-to-boost-stock-market.html]

[7] Outward Investment, 2020 Investment Climate Statements: Singapore, U.S Department of State. [https://www.state.gov/reports/2020-investment-climate-statements/singapore/]

[8] Non-taxable dividends, [https://www.iras.gov.sg/taxes/individual-income-tax/employees/income-from-property-investment-and-other-sources/other-sources-of-income/dividend]

[9] Non-taxable interest, [https://www.iras.gov.sg/taxes/individual-income-tax/employees/income-from-property-investment-and-other-sources/income-from-investments/interest]

[10] Khoản 3, Điều 2 và khoản 4 Điều 10 Thông tư 111/2013/TT-BTC

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

Làm Thiện Nguyện, Liệu Có Thôi Những Ngại Ngần?

 

Làm Thiện Nguyện, Liệu Có Thôi Những Ngại Ngần?

(Luật sư Trần Thị Kim Nga, Nguyễn Đức Huy & Luật sư Nguyễn Hữu Phước)

Việc Nghị định 64/2008/NĐ-CP thiếu vắng hành lang pháp lý cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có tư cách pháp nhân (sau đây gọi chung là “pháp nhân”) và cá nhân đứng ra vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện đã phần nào dẫn đến không ít “lùm xùm”, thậm chí là tâm lý “ngại” làm thiện nguyện trong thời gian vừa qua. Để khắc phục thiếu sót đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP (“Nghị định 93”) có hiệu lực thi hành từ ngày 11/12/2021, thay thế cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý cho vấn đề nêu trên. Bằng việc phân tích, góp ý về những điểm chưa thật rõ ràng của Nghị định 93 trong việc kêu gọi đóng góp khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố, bài viết sau đây hi vọng sẽ góp phần “minh bạch hóa” hoạt động thiện nguyện vốn dĩ đầy tính nhân ái.

Thứ nhất, căn cứ, thủ tục vận động đóng góp tự nguyện

Theo Nghị định 93, việc vận động để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố chỉ được thực hiện khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố gây ra thiệt hại về người và tài sản hoặc làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Theo đó, thiên tai được hiểu là do tự nhiên gây ra, sự cố do thiên tai hoặc con người gây ra; dịch bệnh sẽ liên quan đến bệnh truyền nhiễm ở người, dịch bệnh động vật, dịch hại thực vật[1]. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp xảy ra trên thực tế, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của người dân và rất cần được hỗ trợ nhưng lại chưa được điều chỉnh theo Nghị định 93, ví dụ như chiến tranh, địch họa, bạo loạn, chiến tranh kinh tế hoặc mệnh lệnh hành chính, khiến cho hàng hóa không thể xuất khẩu hoặc tiêu thụ. Thiết nghĩ, Nghị định 93 nên mở rộng các tình huống được vận động quyên góp theo hướng nêu trên.

Quy định về thủ tục vận động đóng góp tự nguyện là một điểm sáng của Nghị định 93. Theo đó, các pháp nhân, cá nhân phải thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông hoặc trên trang thông tin điện tử (đối với pháp nhân) cam kết về mục đích, phạm vi, phương thức, đối tượng vận động, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận, thời gian vận động, tiếp nhận, đối tượng hỗ trợ, thời gian thực hiện hỗ trợ, thời gian cam kết phân phối, sau đó, phải gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân (“UBND”) cấp xã nơi đặt trụ sở chính (đối với pháp nhân) hoặc nơi cư trú (đối với cá nhân) theo mẫu của Nghị định 93[2]. Tuy nhiên, Nghị định 93 lại không quy định về việc cá nhân, pháp nhân có được phép thay đổi nội dung của cuộc vận động hay không (thay đổi thời gian vận động, phân phối sẽ được bàn ở phần tiếp theo), nếu có thì cần phải thực hiện thủ tục như thế nào. Thiết nghĩ, Nghị định 93 cần bổ sung hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Thứ hai, về thời gian tiếp nhận, phân phối và thủ tục phân phối, sử dụng

Đối với pháp nhân, thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp là không quá 90 ngày, kể từ ngày phát động cuộc vận động và sau đó, phải hoàn thành việc phân phối trong vòng 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc tiếp nhận[3]. Đối với cá nhân, dù Nghị định 93 không có quy định điều chỉnh trực tiếp nhưng theo mẫu văn bản thông báo đến UBND cấp xã[4], thời gian tiếp nhận, phân phối cũng tương tự như trên. Nghị định 93 cho phép pháp nhân được kéo dài hai thời gian trên khi có cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp trong khi đối với cá nhân thì không có quy định. Theo tác giả, Nghị định 93 nên cho phép kéo dài tương tự đối với cá nhân, bởi lẽ, về cơ bản, việc tiếp nhận, phân phối đóng góp từ thiện giữa cá nhân và pháp nhân có tính chất tương tự nhau. Ngoài ra, nếu không thuộc trường hợp có cam kết khác với người đóng góp nêu trên thì trong trường hợp cần thiết, duy nhất chỉ có Ban Vận động từ cấp tỉnh trở lên mới có quyền quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp[5]. Có thể thấy, sự phân biệt này là không cần thiết. Tình huống Ban Vận động cấp tỉnh quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận thường là khi thiên tai, sự cố, dịch bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng kéo dài, dẫn đến việc cần huy động nhiều hơn nguồn lực đóng góp từ xã hội. Thiết nghĩ, Nghị định 93 nên tạo cơ chế để pháp nhân, cá nhân kéo dài thời gian tiếp nhận đóng góp cũng như cơ quan Nhà nước có thể quản lý việc kéo dài này thông qua việc yêu cầu pháp nhân, cá nhân phải gửi thông báo bằng văn bản đến UBND cấp xã, trong đó làm rõ các nội dung như: nguyên nhân, thời gian kéo dài, cam kết đi kèm…

Về thủ tục phân phối và sử dụng, pháp nhân và cá nhân vận động đóng góp phải thông báo cho UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ theo phân cấp hoặc liên hệ với UBND cấp tỉnh hướng dẫn khi cần thiết, để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng nguồn đóng góp[6]. Trong vòng 03 ngày làm việc, UBND nơi tiếp nhận phải hướng dẫn pháp nhân, cá nhân đó thực hiện các nội dung nêu trên. Tuy nhiên, Nghị định 93 không có quy định về việc, nếu hết thời gian trên mà UBND lại không hướng dẫn, dù đã được thông báo, liên hệ, thì các pháp nhân, cá nhân có được quyền tự phân phối, sử dụng nguồn đóng góp hay không. Về điểm này, Nghị định 93 nên cho phép pháp nhân, cá nhân thực hiện việc này, bởi vì cứu trợ thiên tai, sự cố, dịch bệnh là việc rất cấp bách, không nên để sự chậm trễ trong thực hiện các thủ tục hành chính gây ảnh hưởng đến việc cứu trợ người dân.

Thứ ba, pháp luật trao quyền chủ động cho người đóng góp

Không “phó thác” hoàn toàn cho pháp nhân, cá nhân vận động đóng góp, Nghị định 93 đã quy định rất nhiều “công cụ” để tổ chức, cá nhân đóng góp chủ động hơn trong việc giúp đỡ đúng người, đúng thời điểm, đúng địa điểm như họ mong muốn. Có thể nói, đây là điểm rất tiến bộ của Nghị định 93. Tổ chức, cá nhân đóng góp cần nắm rõ các quyền và trách nhiệm của họ như sau[7]: (i) quyền yêu cầu UBND cấp xã cung cấp thông tin về việc vận động đóng góp theo thông báo của pháp nhân, cá nhân kêu gọi; (ii) quyền quyết định thời gian tiếp nhận, phân phối các khoản đóng góp vượt quá mốc 90 ngày, 20 ngày; (iii) quyền đưa ra điều kiện, địa chỉ cụ thể nhận các khoản vận động và quyền quyết định việc chi khoản đóng góp của mình; (iv) quyền được bàn bạc, thống nhất để có phương án phân phối, sử dụng khoản tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận còn dư; (v) có trách nhiệm thống nhất với chính quyền địa phương về thiết kế, quy mô, chất lượng, tiến độ sửa chữa, xây dựng công trình trong trường hợp yêu cầu địa chỉ cụ thể để sửa chữa, khôi phục, nâng cấp, xây dựng mới công trình hạ tầng thiết yếu; (vi) quyền đồng ý về chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp được chi từ nguồn đóng góp của mình hoặc không, quyền được tiếp cận công khai với các tổng hợp chi phí này nếu đồng ý; (vii) quyền yêu cầu cung cấp biên nhận các khoản đóng góp bằng tiền mặt, hiện vật. Theo đó, pháp nhân, cá nhân vận động đóng góp phải thực hiện theo các cam kết (nếu có) đối với người đóng góp. Tuy nhiên, Nghị định 93 không quy định về hình thức, nội dung đối với các cam kết này. Xét về mặt bản chất, các cam kết này sẽ được xem là giao dịch dân sự giữa pháp nhân, cá nhân đứng ra vận động quyên góp và tổ chức, cá nhân đóng góp, và vì thế sẽ được điều chỉnh theo pháp luật dân sự. Như vậy, nhằm đảm bảo hiệu lực pháp lý của các cam kết này, cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh hay xử lý vi phạm, các cam kết này, tốt nhất nên được lập bằng văn bản hoặc thông qua phương tiện điện tử theo đúng quy định pháp luật.

Thứ tư, vấn đề khấu trừ thuế đối với các khoản đóng góp

Theo Điều 6.1 và Điều 6.2.24 Văn bản hợp nhất số 66/VBHN-BTC hợp nhất các thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản chi được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ bao gồm “chi tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai, không bao gồm các trường hợp chi khắc phục hậu quả do sự cố, dịch bệnh, trong khi tính chất của các khoản chi này là tương đồng nhau. Do đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên có điều chỉnh đối với quy định này để thống nhất với Nghị định 93. 

Theo pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”), cá nhân chỉ được miễn thuế TNCN đối với các khoản tiền hỗ trợ nhận được từ các quỹ từ thiện[8] và chưa có quy định nào cho phép miễn thuế TNCN đối với các khoản tiền nhận được từ pháp nhân, cá nhân theo Nghị định 93. Có thể nói, sẽ bất hợp lý nếu nhà nước lại thu thuế TNCN của những người dân khó khăn, được nhận hỗ trợ do chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, sự cố, dịch bệnh. Ngoài ra, pháp luật về thuế TNCN mới chỉ cho phép giảm trừ vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản đóng góp của cá nhân vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa hoặc khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học[9]. Việc các khoản chi của cá nhân đóng góp vào các đợt vận động do pháp nhân, cá nhân phát động theo Nghị định 93 nhưng chưa có quy định được giảm trừ theo pháp luật về thuế TNCN là chưa hợp lý, bởi vì đây cũng là các khoản chi mang tính chất từ thiện theo quy định. Vì vậy, các văn bản về thuế TNCN nên có sự điều chỉnh lại để phù hợp với những quy định mới tại Nghị định 93.

Tóm lại, bên cạnh việc tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong việc cho phép pháp nhân, cá nhân thực hiện các hoạt động thiện nguyện nói trên, Nghị định 93 vẫn còn đó một số điểm chưa thật rõ ràng mà cơ quan lập pháp nên cân nhắc để sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn phù hợp thay vì “thả trôi nổi” gây lúng túng khi thực hiện. Về phía người vận động và người đóng góp thiện nguyện, thay vì “ngại ngần”, nên nắm bắt sâu sát, hiểu rõ cả những điểm chưa rõ ràng của Nghị định 93 để có thể “dấn thân” làm việc thiện chuyên nghiệp, tránh những vướng mắc pháp lý có thể xảy ra.


[1] Điều 3 Nghị định 93

[2] Điều 6.5, Điều 17.1 Nghị định 93, Phụ lục đính kèm Nghị định 93

[3] Điều 8.2, Điều 8.3 Nghị định 93

[4] Phụ lục đính kèm Nghị định 93

[5] Điều 8.2, Điều 9.1(a) Nghị định 93

[6] Điều 10.6(a), Điều 18.1 Nghị định 93

[7] Các Điều 6.5, 8.2, 8.3, 9.7, 10.6(a), 10.6(c), 11.3, 17.1, 17.2, 18.3, 18.4, 19.1 Nghị định 93

[8] Điều 3.1(p) Văn bản hợp nhất số 68/VBHN-BTC ngày 19/12/2019 hợp nhất các Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân

[9] Điều 9.3(a) Văn bản hợp nhất số 68/VBHN-BTC ngày 19/12/2019 hợp nhất các Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân

Thực trạng chậm lương – nợ lương: Quy định và thực tế

  Phạm Dương Kim Ngân & Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Phuoc & Partners Đại dịch Covid-19 và xu thế suy thoái kinh tế ở Việt Nam đã và...