(Phạm Thanh Trúc & Luật sư Nguyễn Hữu Phước)
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và giao tiếp trực tuyến trong thời gian qua đã đem lại nhiều thuận lợi cho xã hội trong việc liên lạc, chia sẻ, tiếp cận thông tin thông qua nền tảng internet, mạng xã hội. Tuy nhiên, với việc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội đều dễ dàng tiếp cận các nền tảng trực tuyến đã khiến cho môi trường này trở nên thiếu an toàn và độc hại cho một số đối tượng người dùng nếu họ không biết cách phòng tránh. Một trong những vấn đề nổi lên hiện nay là nguy cơ liên quan đến lạm dụng trẻ em – vốn là đối tượng dễ bị tổn thương thông qua các nền tảng trực tuyến dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Việc cho phép trẻ em tiếp xúc với internet quá sớm chính là con dao hai lưỡi. Bên cạnh những lợi ích về giáo dục thì môi trường trực tuyến còn ẩn chứa nhiều thông tin độc hại như bạo lực, khiêu dâm, chất cấm… và rất nhiều cạm bẫy nhằm lợi dụng sự ngây thơ của trẻ thơ để lạm dụng trực tuyến như lạm dụng tình dục, tình cảm hoặc tống tiền. Môi trường ảo còn là nơi “thuận lợi” cho việc bắt nạt tập thể một ai đó mà đặc biệt là trẻ em khi việc ẩn danh và điều hướng dư luận là vô cùng dễ dàng.
Theo báo cáo của The Internet Watch Foundation (Tổ Chức Giám Sát Mạng Trực Tuyến), năm 2021 đã ghi nhận số lượng dữ liệu có liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến cao kỷ lục với hơn 252,000 tệp dữ liệu, gấp 19 lần năm 2011 với 13,000 tệp dữ liệu được ghi nhận và gấp rưỡi so với năm 2020 với hơn 153,000 tệp dữ liệu. Báo cáo này cũng cho rằng, dịch bệnh Covid-19 có liên quan sâu sắc đến sự gia tăng này. Bởi lẽ, các lệnh giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa dich bệnh đã buộc các trường học phải cho trẻ em học trực tuyến thay vì học tại trường như truyền thống nhằm bảo vệ sức khoẻ cho các em. Các bậc phụ huynh không còn cách nào khác là phải cho con em của họ tiếp xúc với mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác để việc học không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, việc bị “mắc kẹt” tại nhà cũng ảnh hưởng rất nhiều đến phương thức giao tiếp và nhu cầu bày tỏ bản thân của trẻ em, từ đó dễ dàng bị lạm dụng hơn.
Một tin vui là phần lớn các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã nhận thức được tầm nguy hiểm của các nền tảng trực tuyến và đã ban hành hành lang pháp lý để điều chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm. Vào ngày 12/06/2018, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Luật An ninh mạng. Theo đó, Luật này nghiêm cấm đăng tải các thông tin trên không gian mạng mà có nội dung làm nhục, vu khống, các hành vi chiếm đoạt, làm lộ bí mật cá nhân và đời sống riêng tư xâm phạm danh dự, uy tín,…. nhằm ngăn chặn, hạn chế và xử lý các hành vi lạm dụng tình dục trực tuyến mà đặc biệt là đối với trẻ em.
Việt Nam cũng là một trong những thành viên đầu tiên của Công Ước Của Liên Hiệp Quốc Về Quyền Trẻ Em từ năm 1990 cùng với 190 quốc gia khác với cam kết bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần bao gồm mọi hình thức lạm dụng và xâm hại trẻ em… Ngay sau đó, Việt Nam cũng đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em - tiền thân của Luật Trẻ em hiện hành vào năm 1991. Việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của trẻ em còn được tìm thấy trong nhiều văn bản pháp luật mà điển hình là Luật Hình sự, theo đó, các tội phạm có liên quan đến trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tình tiết tăng nặng[1].
Vai trò của người lớn trong việc bảo vệ trẻ em
Vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến không hề mới mà đã được các chuyên gia cảnh báo từ rất sớm khi internet bắt đầu phổ biến vào những năm 2000. Các thủ đoạn và hình thức tiếp cận, lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến ngày càng tinh vi nhằm tách trẻ em ra khỏi tầm quản lý của người lớn và lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để đe doạ tình dục, tống tiền và sử dụng các hình thức ép buộc tình dục khác cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến.
Đã có nhiều những vụ lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến lặng lẽ xảy ra xung quanh chúng ta, chẳng hạn như vụ việc tại tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020, một bé gái tên T 12 tuổi đã bị thanh niên Nguyễn Anh Tuấn dụ dỗ gửi ảnh “nóng” cho mình rồi sau đó đe doạ em T phải quan hệ tình dục và tống tiền nếu không sẽ phát tán những hình ảnh nhạy cảm đó. Vì quá sợ hãi mà em T đã đồng ý quan hệ nhiều lần với Tuấn và vụ việc chỉ được gia đình biết khi Tuấn liên tục tống tiền và T không có tiền để đưa cho nên kể lại loại toàn bộ sự việc cho người thân. Sau đó, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt giam và khởi tố hình sự Tuấn[2].
Sự việc đau lòng trên chỉ là một trong hàng loạt các vụ lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến khác. Trong nhiều trường hợp, trẻ em hầu như không biết cách tự bảo vệ nếu thiếu sự hướng dẫn của người lớn, trẻ em thường có tâm lý che giấu việc mình đang bị xâm hại hoặc đe doạ vì sợ hãi hoặc không biết phải nói với ai, nói thế nào.
Vậy chúng ta có thể làm gì để bảo vệ con của mình và những trẻ em khác khỏi các nguy cơ bị lạm dụng tình dục trực tuyến?
Thứ nhất, phụ huynh cần trang bị kiến thức cho con mình có liên quan đến lạm dụng tình dục trực tuyến, các hình thức mà các đối tượng lạm dụng hay sử dụng đồng thời đưa ra những tình huống thực tế để con cái mình dễ hiểu hơn. Ở Việt Nam, người lớn thường tránh né việc giáo dục giới tính và đề cập các vấn đề có liên quan đến giáo dục sức khoẻ sinh sản cho trẻ em. Tuy nhiên, quan điểm này có phần sai lầm vì trẻ em sẽ rất dễ dàng bị dụ dỗ hoặc mắc bẫy của kẻ xấu hơn nếu không được những người lớn cảnh báo để nhận biết nguy hiểm từ sớm. Việc cởi mở với trẻ em về các vấn đề có liên quan đến giới tính và sinh sản sẽ giúp trẻ em dễ dàng chia sẻ những vấn đề mà mình đang gặp phải thay vì giấu diếm vì tâm lý sợ cha mẹ trách mắng. Từ đó, chúng ta có thể can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn những mối nguy hiểm đang rình rập quanh trẻ em và tránh những hậu quả đáng tiếc.
Thứ hai, cần giáo dục trẻ em để chúng có thể nhận thức được các quyền của bản thân trong việc được bảo vệ khỏi những mối nguy hiểm trong xã hội. Điều này giúp củng cố sự tự tin của trẻ em khi đứng trước bất kỳ một lời đe doạ hoặc uy hiếp nào và trẻ em sẽ nhanh chóng thông báo với người lớn biết để có hướng xử lý tốt nhất. Vì thế, để cho trẻ em nhận thức được vấn đề này thì người lớn phải giáo dục các kiến thức cơ bản về quyền của trẻ em bằng ngôn ngữ và cách thức phù hợp với độ tuổi của từng trẻ nhằm đảm bảo rằng các em hiểu được nội dung mà người lớn muốn truyền đạt.
Thứ ba, hướng dẫn hướng xử lý cụ thể cho trẻ khi gặp phải các tình huống bị đe doạ lạm dụng hoặc lạm dụng tình dục trực tuyến. Ví dụ, khi nhận thấy dấu hiệu nguy hiểm, các em cần liên hệ ngay cha, mẹ, chị, hoặc giáo viên hay thậm chí là cảnh sát gần nhất. Nếu không thể liên lạc được, các em cần biết đường dây nóng của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, nơi tiếp nhận thông tin tố giác có liên quan đến xâm hại trẻ em, hướng dẫn trẻ em cách xử lý và cùng các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ trẻ em, can thiệp và ngăn chặn các hành vi vi phạm kịp thời.
Thứ tư, quản lý các thông tin mà trẻ em được truy cập trên internet. Đây là giải pháp vô cùng quan trọng nhằm ngăn chặn từ đầu các nguy cơ trẻ em bị các đối tượng xấu tiếp cận. Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng được thiết kế riêng phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ em. Phụ huynh phải quản lý các ứng dụng mà trẻ em được phép tiếp cận để tránh việc chúng tải xuống những phần mềm độc hại hoặc các phần mềm không phù hợp với độ tuổi của mình (thường chúng sẽ được cảnh báo tại thông tin ứng dụng trước khi tải xuống).
Tuy nhiên bất kỳ phương thức và ứng dụng
nào cũng có những sai số nhất định, không có phương thức nào được xem là an
toàn tuyệt đối. Việc bị lạm dụng tình dục trực truyến có thể gây ra những tổn
thương cho trẻ em trong suốt quá trình phát triển cho đến khi trưởng thành. Trẻ
em là đối tượng yết ớt và dễ bị tổn thương nhất và vì thế chúng ta cần đặt biệt
quan tâm và thường xuyên để ý đến sự khác thường của trẻ em để đảm bảo rằng các
em được bảo vệ khỏi bạo lực, bóc lột và lạm dụng trên internet và có một tuổi
thơ vô tư, an toàn và khoẻ mạnh về cả thể chất và tinh thần.