Thứ Năm, 23 tháng 12, 2021

Xuất Bản Và Phát Hành Sách Trên Sàn Thương Mại Điện Tử Thế Giới –Vấn Đề Còn Bỏ Ngỏ

 

Xuất Bản Và Phát Hành Sách Trên Sàn Thương Mại Điện Tử Thế Giới –Vấn Đề Còn Bỏ Ngỏ

(Phan Huy Quyền, Nguyễn Tuấn Anh & Luật sư Nguyễn Hữu Phước)

Như một lẽ tất yếu của sự phát triển xã hội, việc phát hành và xuất bản sách hiện không còn bị giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia bởi sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử (“STMĐT”) quốc tế. Trong đó, một số STMĐT quốc tế được xem như “nhà sách” khổng lồ như Amazon, Google Book đã và đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường xuất bản sách. Các STMĐT này có số lượng sách khổng lồ, đa ngôn ngữ, nhiều thể loại dành cho mọi lứa tuổi và đối tượng độc giả. Bên cạnh đó, các STMĐT quốc tế luôn bắt nhịp xu hướng phát triển của thế giới qua việc ứng dụng các công nghệ mới vào từng khâu của phát hành và xuất bản sách. Không đứng ngoài xu thế chung, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phát hành và xuất bản sách tại Việt Nam đã và đang từng bước tham gia vào STMĐT quốc tế để có thể mở rộng thị trường và tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, việc phát hành và xuất bản sách qua các STMĐT quốc tế cũng tồn tại những vấn đề nan giải cần được giải quyết mà bài viết này sẽ đề cập.

Độ chênh của quy định về phát hành, xuất bản sách tại Việt Nam và STMĐT quốc tế

Luật Xuất bản năm 2012 đưa ra khái niệm “phát hành” [1] bao gồm nhiều hình thức như mua, bán, phân phát, tặng, cho, cho thuê, cho mượn, xuất khẩu, nhập khẩu, hội chợ, triển lãm để đưa xuất bản phẩm (là các loại sách in, sách điện tử) đến tay người tiêu dùng. Như vậy, việc bán sách trên các STMĐT quốc tế cũng được xem là một hình thức phát hành sách trên thị trường. Theo đó, cơ sở phát hành sách là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập phải tuân thủ điều kiện hoạt động bao gồm: i) người đứng đầu cơ sở phát hành phải thường trú tại Việt Nam; có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về phát hành xuất bản phẩm do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm cấp; ii) có một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; iii) có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm. Trước khi hoạt động, cơ sở phát hành là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập còn phải đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm với cơ quan quản lý hoạt động xuất bản[2]. Đối với cơ sở phát hành là hộ kinh doanh thì phải đáp ứng các điều kiện: i) Chủ hộ phải thường trú tại Việt Nam; ii) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; iii) Có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm. Ngoài ra, việc phát hành còn được Luật Doanh nghiệp điều chỉnh, theo đó, doanh nghiệp khi phát hành sách phải đăng ký lĩnh vực hoạt động với mã ngành: i) 46497: Bán buôn sách, báo, tạp chí, văn phòng phẩm; ii) 47610: Bán lẻ sách, báo, tạp chí, văn phòng phẩm trong các cửa hàng chuyên doanh[3].

Bên cạnh đó, Luật Xuất bản năm 2012 còn quy định xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua phương tiện điện tử. Theo đó, xuất bản là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện[4] cho cả sách in và sách điện tử. Cụ thể, doanh nghiệp xuất bản sách phải đảm bảo các yếu tố: (i) doanh nghiệp kinh doanh sách phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn về nhân sự cho các chức danh là: tổng giám đốc (giám đốc) và tổng biên tập nhà xuất bản[5]; (ii) phải đảm bảo diện tích tối thiểu của trụ sở đăng ký, đảm bảo vốn pháp định theo yêu cầu của pháp luật, cho đến trang thiết bị vận hành[6]; và (iii) phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch và chính sách của Nhà nước về quy hoạch phát triển hoạt động xuất bản[7]. Như vậy, khi một doanh nghiệp muốn tiến hành hoạt động xuất bản sách (hay còn gọi nhà xuất bản) tại Việt Nam, doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định về các chức danh, vốn pháp định, cơ sở vật chất cũng như phải phù hợp với các chiến lược, kế hoạch và chính sách của Nhà nước. Việc quy định cụ thể và chặt chẽ như vậy nhằm tránh trường hợp việc xuất bản được thực hiện một cách tùy tiện và không có kiểm soát dẫn đến những đầu sách có nội dung sai lệch, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc nghiêm trọng hơn là xâm phạm an ninh, trật xã hội.

Trái ngược với việc phát hành và xuất bản sách tại Việt Nam, khi tham gia vào các STMĐT quốc tế, các tác giả, nhà xuất bản và nhà phát hành chỉ cần tuân thủ chính sách và chương trình của STMĐT quốc tế mà họ tham gia. Như vậy, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể tham gia phát hành và xuất bản sách trên STMĐT quốc tế một cách độc lập, nhanh chóng mà không cần đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định như khi phát hành và xuất bản sách ở mỗi quốc gia.

Có thể lấy Amazon Kindle Direct Publishing (KDP)[8] là một ví dụ điển hình cho việc tự xuất bản. KDP cho phép bất kỳ ai cũng có thể xuất bản sách trên STMĐT Amazon với các định dạng như: ebook (sách điện tử đọc trên các thiết bị điện tử)audio book (định dạng âm thanh, sách đọc để nghe trên các thiết bị) và paperback  (sách giấy được in ra và vận chuyển đến độc giả). Để có thể tham gia xuất bản trên nền tảng KDP, các cá nhân, tổ chức chỉ cần đăng ký một tài khoản, cung cấp thông tin và cam kết sẽ tuân thủ chính sách chung của KDP. Có thể hiểu rằng, các cá nhân, tổ chức tham gia không cần đáp ứng điều kiện luật định dành cho xuất bản như vốn pháp định, diện tích trụ sở và các quy định khác như khi xuất bản trong nước. Vì vậy, bán sách trên KDP được xem là thiên đường cho tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành nào muốn tự xuất bản và phát hành sách một cách độc lập, nhanh chóng nhưng vẫn tiếp cận được số lượng lớn khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trên, KDP cũng đã và đang tạo điều kiện cho cả những bên có ý định xuất bản sách xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc sách có nội dung sai lệch, xuyên tạc văn hóa, lịch sử.

Những vấn đề nan giải cần được giải quyết

Có thể nhận thấy, các nhà làm luật đã đặt ra nhiều quy định về phát hành và xuất bản sách trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, khi thế giới đang ngày càng phẳng và các STMĐT quốc tế là một “chợ phiên xuyên biên giới”, pháp luật Việt Nam khó lòng điều chỉnh đối với việc xuất bản và phát hành sách của các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành trên các STMĐT quốc tế. Với sự linh hoạt trong chính sách về xuất bản và phát hành của các STMĐT quốc tế, một số vấn đề nan giải đang tồn tại và gây ảnh hưởng không nhỏ đến các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành trong nước.

i.             Vấn đề kiểm duyệt và nạn sách lậu

Hiện nay, mặc dù các STMĐT quốc tế đều có chính sách liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, nhưng những chính sách này vẫn chưa ngăn cản được các STMĐT quốc tế dần trở thành “chợ đen” của nạn buôn bán sách xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Như đã đề cập ở trên, khi tự xuất bản sách, người đăng tải không cần lo lắng về giấy phép xuất bản sách hay kiểm duyệt như hoạt động xuất bản truyền thống trong nước. Bởi lẽ, tại các STMĐT thế giới, dường như độc giả hoặc các bên có lợi ích bị ảnh hưởng mới là bên phải tự mình “hậu kiểm”. Do đó, có những quyển sách xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc có nội dung sai lệch, xuyên tạc văn hóa, lịch sử vẫn được bày bán trên các STMĐT quốc tế.

Thực tế, chính sách của các STMĐT thế giới cho phép các đầu sách có thể được bán trực tiếp từ các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành hoặc do một bên thứ ba được cho phép. Tuy nhiên, các STMĐT quốc tế lại không có cơ chế để "tiền kiểm" chất lượng sách bán ra dẫn đến khá nhiều sách bán ra là sách giả, in lậu, không có bản quyền, nhảm nhí, kể cả sách sao chụp[9]. Bên cạnh đó, mặc dù các STMĐT quốc tế sẵn sàng tích hợp nhiều tính năng để tăng trải nghiệm, bảo vệ người mua hàng, nhưng chính các STMĐT quốc tế lại chậm trễ trong việc giải quyết khiếu nại về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, nếu phát hiện một tài khoản có hành vi buôn bán sách giả hoặc xâm phạm bản quyền, hình thức giải quyết STMĐT quốc tế thường làm chỉ đơn giản là…. giữ lại các khoản thanh toán và tạm dừng hoặc chấm dứt tài khoản đó.

Có nhiều ý kiến cho rằng đây là cách làm thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh STMĐT quốc tế khi không “tiền kiểm” ngay từ đầu, các STMĐT quốc tế lại đưa ra lập luận họ không có trách nhiệm bảo đảm nội dung của sách bày bán không xâm phạm quyền mà chính các tài khoản đăng bán sách trên STMĐT phải trung thực và có thiện ý. Và một lần nữa, nhà xuất bản lại đi vào một cuộc chiến không có hồi kết với các STMĐT quốc tế để bảo vệ sách của mình.

ii.           Số lượng hơn chất lượng

Thực tế, nhiều tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành trên các STMĐT quốc tế có quan điểm rằng việc xuất bản số lượng lớn đầu sách có thể tạo ra doanh thu quan trọng hơn là chất lượng của từng quyển sách. Theo đó, các cá nhân, tổ chức có ý định trục lợi từ khe hở chính sách của STMĐT quốc tế sẽ lợi dụng các tính năng quảng cáo có trả phí trên STMĐT quốc tế để giới thiệu sách kém chất lượng hoặc đạo nhái. Cụ thể, mỗi khi có quyển sách nào bán chạy, ngay lập tức hàng loạt sách lấy danh nghĩa tóm tắt, rút gọn cho người bận rộn sẽ ra đời, hoặc có trường hợp những quyển sách có tựa đề ăn theo tên tác phẩm gốc để gây hiểu lầm cho những người muốn mua tác phẩm gốc. Các bên có ý định trục lợi sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để mua các gói quảng cáo trả phí từ STMĐT quốc tế để sách của họ sẽ là các kết quả đầu tiên mỗi khi khách hàng gõ vào ô tìm kiếm sản phẩm.

Vì vậy, ngoài nạn sách “lậu”, các tác giả và nhà xuất bản phải cạnh tranh với những quyển sách ăn theo, đạo nhái nội dung, hình ảnh từ sách gốc. Do đó, mỗi khi ai đó mua phải một quyển sách kém chất lượng hoặc đạo nhái, tác giả, nhà xuất bản và người mua là những bên luôn chịu thiệt hại, còn các STMĐT thì không. Ngoài doanh thu từ gói quảng cáo do các bên chi trả, doanh thu của họ còn tăng lên từ việc ghi nhận đã bán được một quyển sách kém chất lượng hoặc đạo nhái như khi bán sách gốc. Cuối cùng, những người bị thiệt hại vẫn chính là các tác giả, nhà xuất bản và người mua sách.

Một số đề xuất

Với xu thế ngày càng phát triển của việc mua bán sách trên STMĐT quốc tế, đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các STMĐT quốc tế trong việc quản lý các đầu sách được xuất bản hoặc phát hành trên nền tảng của họ. Bên cạnh đó, các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành khi xuất bản sách trên các STMĐT quốc tế cũng cần ý thức và có trách nhiệm trong việc đảm bảo các yếu tố về sở hữu trí tuệ và nội dung nhằm tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh. Cuối cùng, trong cuộc chiến kiểm duyệt nội dung, mỗi độc giả cần lên tiếng và báo cáo cho các STMĐT quốc tế, cơ quan bảo vệ quyền tác giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về những xâm phạm bản quyền nào mà họ cho rằng đang ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành.

Tóm lại, việc tham gia các STMĐT quốc tế là một xu thế tất yếu mà các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành và người mua sách không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà các STMĐT quốc tế mang lại, việc mua bán, phát hành và xuất bản sách thông qua STMĐT quốc tế cũng nhiều vấn đề nan giải cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các sàn STMĐT quốc tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành, người mua sách trong nước.



[1] Khoản 1 Điều 4 Luật Xuất bản năm 2012

[2] Khoản 1 Điều 37 Luật Xuất bản năm 2012

[3] Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam

[4] Điều 13 Luật Xuất bản năm 2012

[5] Điều 17 Luật Xuất bản năm 2012

[6] Điều 8 Nghị định 195/2013/NĐ-CP

[7] Điều 19.3 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018

[9] https://tuoitre.vn/sach-gia-long-hanh-amazon-van-thu-phi-hoa-hong-20190706112634511.htm

Làm Sao Để Thưởng Tết 2025 Được Tính Vào Chi Phí Hợp Lý? Bí Quyết Doanh Nghiệp Không Thể Bỏ Qua!

Luật sư Nguyễn Hữu Phước - Công ty luật Phuoc & Partners Tết Và Tập Tục “Thưởng Tết” hay "Tháng Lương Thứ 13" Tết đến xuân...