Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Lợi Ích và Bất Lợi Khi Mua Đất Nông Nghiệp Vùng Ven

 

Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Phuoc & Partners

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và nhu cầu tìm kiếm một không gian sống thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên, đất nông nghiệp vùng ven các đô thị lớn ngày càng trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho nhà đầu tư bất động sản. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, đất nông nghiệp vùng ven còn là lựa chọn lý tưởng cho những người yêu thích lối sống xanh và gần gũi với thiên nhiên. Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm, đất nông nghiệp vùng ven cũng tồn tại một số hạn chế. Bài viết dưới đây sẽ phân tích đầy đủ các lợi ích và bất lợi, giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện trước khi ra quyết định.



Lợi Ích Của Việc Mua Đất Nông Nghiệp Vùng Ven

Lợi ích đầu tiên và đáng chú ý của đất nông nghiệp vùng ven là tiềm năng tăng giá cao. Khi quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng phát triển như hiện nay, giá trị của các mảnh đất nông nghiệp ở vùng ven sẽ tăng theo. Bên cạnh đó, so với đất thổ cư vốn có giá thành đang ở mức cao, đất nông nghiệp vùng ven có mức giá thấp hơn nhiều, tạo ra dư địa lớn cho tăng trưởng giá trị. Ví dụ, một mảnh đất nông nghiệp có thể mua với chi phí thấp, nhưng khi khu vực xung quanh phát triển hoặc nếu được quy hoạch thành đất ở, thương mại, giá trị của nó sẽ tăng đột biến, đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư.

Thêm vào đó, với chi phí thấp hơn so với đất thổ cư, việc mua đất nông nghiệp cho phép nhà đầu tư sở hữu diện tích lớn mà không cần dùng quá nhiều vốn của mình hay phải dùng đến đòn bẩy vốn ngân hàng. Điều này đặc biệt có lợi cho những người muốn xây dựng dự án nghỉ dưỡng hoặc canh tác nông nghiệp với quy mô lớn, hoặc chỉ đơn giản là muốn sở hữu tài sản với diện tích lớn mà không phải chi trả mức giá cao.

Một yếu tố nữa cũng khiến đất nông nghiệp vùng ven trở nên hấp dẫn là lợi thế đền bù theo giá thị trường khi có quy hoạch hoặc giải tỏa. Theo quy định mới, đất nông nghiệp khi bị thu hồi sẽ được bồi thường theo giá đất cụ thể tại thời điểm quyết định thu hồi đất theo nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường thay vì giá Nhà nước như trước đây. Điều này giúp chủ sở hữu đất bảo toàn tài sản và sinh lời từ việc đền bù mà không cần phải chuyển đổi đất, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Thuế sử dụng đất gồm thuế sử dụng phi nông nghiệp và thuế sử dụng đất nông nghiệp. Thuế sử dụng đất nông nghiệp lại thấp hơn nhiều so với thuế đất ở, góp phần giúp giảm chi phí duy trì tài sản. Điều này tạo ra một lợi thế tài chính đáng kể, cho phép nhà đầu tư tối ưu hóa chi phí và giữ được lợi nhuận cao hơn trong dài hạn. Ngoài ra, hiện nay với giá trị đất nông nghiệp vùng ven được định giá theo giá thị trường, nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận các khoản vay ngân hàng với hạn mức tín dụng cao hơn, hỗ trợ tốt cho người muốn sử dụng đòn bẩy tài chính để mở rộng và phát triển bất động sản của mình.

Một lợi ích quan trọng khác là việc đất nông nghiệp vùng ven được luật mới cho phép sử dụng kết hợp với mục đích thương mại và dịch vụ như xây dựng homestay, farmstay, phát triển du lịch sinh thái, chăn nuôi, trồng cây dược liệu nhằm mục đích khuyến khích người dân giữ đất nông nghiệp để khai thác để gia tăng khả năng sinh lợi từ đất. Tính linh hoạt này không chỉ giúp tối ưu hóa lợi ích của nhà đầu tư mà còn đáp ứng nhu cầu của thị trường một cách nhanh chóng.

Với diện tích lớn, đất nông nghiệp vùng ven còn dễ dàng tách thửa thành nhiều lô nhỏ từ 1.000 m2 trở lên để bán hoặc chia cho con cháu. Điều này giúp gia đình bảo toàn tài sản và dễ dàng chia sẻ quyền sở hữu mà không cần phải bán đi toàn bộ lô đất. Đây thật sự là lựa chọn hấp dẫn cho các gia đình muốn để lại tài sản cho con cái, hoặc để bảo toàn tài sản qua nhiều thế hệ.

Nhu cầu sở hữu đất diện tích lớn để vừa ở, vừa canh tác vườn ao chuồng hoặc tạo dựng cảnh quan là xu hướng phổ biến tại các nước phát triển. Mua đất rộng ở vùng ven sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng linh hoạt đó và sẽ giúp nhà đầu tư duy trì tài sản lâu dài. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng vùng ven đang được đầu tư mạnh mẽ trong thời gian gần đây, giúp kết nối thuận tiện với trung tâm thành phố cũng như các khu vực lân cận, sân bay và các điểm du lịch. Nhà đầu tư có thể di chuyển một cách dễ dàng mà không gặp nhiều trở ngại về giao thông như trong các trung tâm đô thị.

Đất nông nghiệp vùng ven cũng có tính linh hoạt trong mục đích sử dụng cao. Nhà đầu tư có thể xây dựng các mô hình kinh doanh homestay, nông sản sạch hoặc các sự kiện ngoài trời. Những hình thức này không chỉ tạo ra nguồn thu nhập thường xuyên và bền vững mà còn làm tăng giá trị sử dụng lâu dài của lô đất. Diện tích đất lớn còn cho phép nhà đầu tư xây dựng các loại nhà tiền chế, nhà container, hay nhà lắp ghép cho gia đình sinh sống với chi phí xây dựng thấp nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ tiện ích như vườn cây, ao cá, không gian xanh, không khí trong lành và hàng xóm thân thiện.

Việc sở hữu đất nông nghiệp vùng ven còn giúp nhà đầu tư kết nối bạn bè và mở rộng cơ hội kinh doanh của mình. Nhà đầu tư có thể mời bạn bè từ trung tâm thành phố đến để nghỉ ngơi, thư giãn và tận hưởng không khí trong lành. Đây cũng là cơ hội để tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ với đối tác hoặc các sự kiện kinh doanh ngoài trời.

Nhà đầu tư còn có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao hoặc trồng cây để bán tín chỉ carbon, vừa tạo thu nhập vừa góp phần bảo vệ môi trường. Hơn nữa, diện tích rộng cũng là điều kiện lý tưởng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, giúp tiết kiệm chi phí, giảm tải cho lưới điện quốc gia và thân thiện với môi trường.

Cuối cùng, đất nông nghiệp còn đáp ứng nhu cầu sống tự cung tự cấp, cho phép chủ đầu tư trồng rau sạch, chăn nuôi và tự tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình, giảm sự phụ thuộc vào thị trường thực phẩm công nghiệp. Đây cũng là tài sản bền vững, ít chịu biến động kinh tế so với các loại tài sản khác, do đó giúp bảo toàn giá trị lâu dài cho nhà đầu tư.

Bất Lợi Của Việc Mua Đất Nông Nghiệp Vùng Ven

Mặc dù có nhiều lợi ích như thế, việc mua đất nông nghiệp vùng ven cũng đi kèm với một số bất lợi nhất định đáng được cân nhắc. Một trong số đó là khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng. Chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở hoặc đất thương mại đòi hỏi thủ tục pháp lý khá phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí. Nếu khu vực đó không nằm trong quy hoạch phát triển của đô thị, việc chuyển đổi có thể không thực hiện được.

Ngoài ra, rủi ro về chính sách quy hoạch của chính quyền địa phương cũng là yếu tố cần phải lưu ý đến. Quy hoạch nói chung có thể thay đổi và làm giảm giá trị của đất nông nghiệp vùng ven, khiến nhà đầu tư gặp rủi ro tài chính. Bên cạnh đó, ranh giới đất nông nghiệp đôi khi lại không rõ ràng như đất thổ cư, dẫn đến có thể xảy ra trường hợp chênh lệch giữa diện tích trên giấy tờ và diện tích thật trên thực tế. Điều này có thể xãy ra tranh chấp với các chủ đất lân cận và tốn kém chi phí để xác định lại ranh giới.

Cơ sở hạ tầng của một số khu vực vùng ven còn chưa được hoàn thiện, có thể thiếu các tiện ích như điện, nước, internet, gây trở ngại cho việc sinh hoạt gia đình và phát triển kinh doanh. Giá trị của đất nông nghiệp vùng ven cũng phụ thuộc khá nhiều vào tình hình thị trường bất động sản; nếu thị trường suy giảm, khả năng tăng giá và tính thanh khoản của đất có thể bị ảnh hưởng.

Kết Luận: Ai Nên và Ai Không Nên Đầu Tư Vào Đất Nông Nghiệp Vùng Ven?

Đối với những người có tầm nhìn dài hạn, yêu thích lối sống xanh, hoặc muốn phát triển mô hình kinh doanh sinh thái như farmstay, homestay, hoặc nông trại công nghệ cao, đất nông nghiệp vùng ven sẽ là một lựa chọn lý tưởng cho họ. Đây cũng là cơ hội cho các gia đình muốn sở hữu đất đai để truyền lại cho các thế hệ sau của mình.

Ngược lại, đối với những người mong muốn có lợi nhuận nhanh chóng hoặc không có kinh nghiệm xử lý các thủ tục pháp lý phức tạp thì nên cân nhắc kỹ. Đất nông nghiệp vùng ven không phải là lựa chọn phù hợp cho những ai muốn có thu nhập ổn định hoặc kỳ vọng vào nguồn thu ngắn hạn.

Tóm lại, đầu tư vào đất nông nghiệp vùng ven không chỉ mang lại lợi nhuận tài chính mà còn đáp ứng nhu cầu sống xanh, thoải mái và bền vững. Với sự nghiên cứu kỹ lưỡng và chiến lược đầu tư hợp lý, đây sẽ là mộ trong nhữn kênh đầu tư đáng tin cậy, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển và sinh lời trong tương lai.

 

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Quyền “Ngắt kết nối” sau giờ làm việc: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam

 

QuyềnNgắt kết nốisau giờ làm việc: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam

(*) Lại Thị Diệu Thuỳ, Hà Thị Hoài Linh và Luật sư Nguyễn Hữu Phước

Trong bối cảnh công nghệ thông tin đang bùng nổ cùng với xu hướng làm việc trực tuyến đang dần trở nên phổ biến tại các doanh nghiệp, người lao động (NLĐ) dù rời công ty sau giờ làm việc nhưng không thực sự “thoát ly” khỏi công việc. Những hoạt động liên lạc mang tính chất công việc thông qua phương tiện điện tử vẫn tiếp tục diễn ra bên ngoài văn phòng. Trước tình trạng này, một số quốc gia đã ban hành và áp dụng quy định về quyền “ngắt kết nối” sau giờ làm việc nhằm bảo vệ quyền lợi của NLĐ, và ví dụ gần đây nhất là Luật “ngắt kết nối” tại Úc đã chính thức có hiệu lực từ ngày 26/08/2024. Từ thực tế đó, việc có nên ban hành quy định về quyền “ngắt kết nối” của NLĐ tại Việt Nam hay không đang được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn pháp lý.

Quyền “ngắt kết nối” theo pháp luật một số quốc gia

Quyền “ngắt kết nối” được đưa ra trong bối cảnh ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và công việc đã bị xoá mờ đáng kể khi xu hướng làm việc trực tuyến, làm việc linh hoạt trở nên phổ biến sau Covid-19 và vấn đề bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của NLĐ trở nên cấp thiết. Về cơ bản, quyền “ngắt kết nối” được hiểu là quyền của NLĐ được từ chối thực hiện các hoạt động liên lạc điện tử liên quan đến công việc, chẳng hạn như trả lời email, tin nhắn, hoặc cuộc gọi ngoài giờ làm việc.

Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ và một số quốc gia Châu Âu đã đưa quyền “ngắt kết nối” vào văn bản quy phạm pháp luật để cho phép NLĐ được tắt các thiết bị công việc sau giờ làm việc. Ngoài ra, để đảm bảo tính thực thi, pháp luật các quốc gia như Pháp và Tây Ban Nha còn yêu cầu người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải thiết lập chính sách nội bộ, quy định về cách thức sử dụng các công cụ kỹ thuật số của NLĐ để đảm bảo tuân thủ thời gian nghỉ ngơi và thời gian làm việc của NLĐ.

Úc là một trong số ít quốc gia ngoài Liên minh châu Âu và châu Mỹ Latinh công nhận quyền “ngắt kết nối” sau giờ làm việc của NLĐ. Tuy nhiên, nếu có phát sinh tranh chấp, cả NSDLĐ và NLĐ đều có quyền yêu cầu Ủy ban Công bằng Lao động (Fair Work Commission) đánh giá tính hợp lý của việc ngắt kết nối này. Việc đánh giá sẽ dựa trên các tiêu chí như: lý do liên lạc, tần suất và phương thức liên lạc, khoản thù lao mà NLĐ nhận được để làm việc trong thời gian liên lạc ngoài giờ hoặc khi làm thêm giờ, vai trò và trách nhiệm của NLĐ cũng như hoàn cảnh cá nhân của NLĐ (bao gồm trách nhiệm gia đình và chăm sóc con cái).

Để tránh việc lạm dụng quy định về quyền “ngắt kết nối”, một số quốc gia đã hạn chế đối tượng NLĐ được áp dụng quyền “ngắt kết nối”. Tại Ý, quyền “ngắt kết nối” hiện chỉ mới áp dụng đối với NLĐ làm việc linh hoạt theo phương thức kết hợp làm việc tại văn phòng và tại nhà hoặc từ xa. Tại Bỉ, quyền “ngắt kết nối” cũng chỉ áp dụng bắt buộc đối với công chức Nhà nước. Đối với NLĐ tại doanh nghiệp, quyền này chỉ được áp dụng khi có sự thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ. Tây Ban Nha thì không hạn chế đối tượng NLĐ được áp dụng quyền “ngắt kết nối”, nhưng NSDLĐ và NLĐ sẽ thoả thuận trong thoả ước lao động tập thể về các trường hợp sẽ không áp dụng quyền “ngắt kết nối” (như trường hợp bất khả kháng hoặc có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho NSDLĐ nếu NLĐ không phản hồi ngay lập tức).

Việt Nam có nên ban hành quy định về quyền “ngắt kết nối” không?

Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện chưa có quy định nào trực tiếp về quyền “ngắt kết nối” của NLĐ sau giờ làm việc. Thay vào đó, pháp luật lao động hiện chỉ có những quy định gián tiếp về vấn đề này để đảm bảo quyền được nghỉ ngơi của NLĐ. Cụ thể, NSDLĐ có trách nhiệm quy định rõ ràng về thời giờ làm việc bình thường, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ (nếu có) trong nội quy lao động[1] và NLĐ được hưởng lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường[2].

Mặc dù quy định là vậy, pháp luật lao động hiện vẫn không thể giải quyết được tình trạng NLĐ thường xuyên phải làm thêm giờ một cách không mong muốn mà lại không được trả lương làm thêm giờ do phải theo dõi, phản hồi và đáp ứng các yêu cầu công việc. Điều này ít nhiều có tác động tiêu cực đến sức khỏe, cuộc sống cá nhân của NLĐ, khiến họ không có đủ thời gian để cân bằng giữa cuộc sống và công việc cũng như chăm sóc gia đình.

Trên thực tế, do tính chất công việc gấp và khối lượng công việc lớn nên NLĐ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm thêm giờ. Về nguyên tắc, NSDLĐ chỉ được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi được sự đồng ý của NLĐ về thời gian làm thêm, địa điểm và công việc làm thêm. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy để được trả lương làm thêm giờ, NSDLĐ và NLĐ cần có sự thỏa thuận trước hoặc thông qua chính sách nội bộ của NSDLĐ, và NSDLĐ sẽ căn cứ vào hệ thống chấm công để xác nhận số giờ làm thêm. Nói cách khác, NLĐ trong trường hợp làm thêm giờ một cách “tự nguyện” sẽ không có đủ cơ sở để yêu cầu NSDLĐ thanh toán tiền lương làm thêm giờ. Mặt khác, NLĐ cũng không thể “ngắt kết nối” sau giờ làm việc vì nhiều lý do, như yêu cầu công việc cấp bách, lo ngại về việc bị đánh giá hiệu suất công việc kém.

Dưới góc độ của NSDLĐ, việc “ngắt kết nối” của NLĐ sau giờ làm việc có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tính linh hoạt của công việc, đặc biệt là đối với những NLĐ làm việc trực tiếp với khách hàng và đối tác ở những múi giờ khác nhau hoặc NLĐ làm công việc có tính chất đặc thù như bác sỹ, cứu hộ, cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Việc này thậm chí còn có thể khiến cho mối quan hệ lao động giữa NSDLĐ và NLĐ trở nên căng thẳng vì NSDLĐ thường mong muốn NLĐ luôn sẵn sàng xử lý công việc để duy trì hiệu quả kinh doanh.

Từ những phân tích trên, việc xây dưng quy định của pháp luật liên quan đến quyền “ngắt kết nối” là điều cần thiết đối với Việt Nam ở giai đoạn hiện tại. Mặc dù vậy, các quy định về quyền “ngắt kết nối” nên được xây dựng theo hướng sao cho cân bằng lợi ích giữa NSDLĐ và NLĐ, tránh lạm dụng từ NLĐ, gây ảnh hưởng đến kỷ luật lao động và thậm chí là gây thiệt hại cho NSDLĐ.

Một số gợi ý cho Việt Nam

Về đối tượng áp dụng, một số quốc gia cho rằng chỉ nên áp dụng quyền “ngắt kết nối” đối với NLĐ có thời gian làm việc linh hoạt hoặc làm việc từ xa vì họ là những đối tượng có xu hướng bị “làm phiền” bởi tính chất công việc. Tuy nhiên, thực tiễn tại Việt Nam cho thấy hầu hết NLĐ đều nên có quyền “ngắt kết nối”, ngoại trừ một số NLĐ có tính chất công việc hoặc nhiệm vụ đặc thù đòi hỏi NLĐ phải phản hồi nhanh chóng với mọi liên lạc công việc mọi lúc, mọi nơi.

Về ngoại lệ của quyền “ngắt kết nối”, trong một số trường hợp NSDLĐ cần phải liên lạc với NLĐ sau giờ làm việc, việc xâm phạm quyền “ngắt kết nối” có thể xem là hợp lý và được chấp nhận để đảm bảo lợi ích của NSDLĐ. Tuy nhiên, NSDLĐ cần chứng minh rằng việc liên hệ là thực sự cần thiết,  trong một khoảng thời gian hợp lý để giải quyết công việc và việc “ngắt kết nối” của NLĐ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho NSDLĐ. Bên cạnh đó, NLĐ phải được hưởng lương làm thêm giờ nếu có phát sinh công việc làm thêm giờ như vậy.

Về cơ chế thực thi, để cân bằng giữa quyền lợi của NSDLĐ và NLĐ, các quy định về quyền “ngắt kết nối” của NLĐ có thể được thoả thuận giữa NSDLĐ và NLĐ thông qua thương lượng tập thể. Trong đó, các bên cần đạt được thoả thuận chung về việc cho phép NLĐ không liên lạc hoặc không trả lời liên lạc công việc sau giờ làm việc; các trường hợp được phép liên lạc sau giờ làm việc; loại liên lạc công việc sau giờ làm việc được chấp nhận; đối tượng NLĐ không được áp dụng quyền “ngắt kết nối”, các trường hợp NLĐ được miễn trừ trách nhiệm khi vi phạm quy định về quyền “ngắt kết nối” và trách nhiệm của các bên.

Tóm lại, việc xây dựng và ban hành quy định pháp luật về quyền “ngắt kết nối” của NLĐ là điều cần thiết đối với Việt Nam. Quyền “ngắt kết nối” sẽ củng cố thêm quyền con người, quyền công dân, góp phần nâng cao chất lượng công việc cũng như chất lượng cuộc sống của NLĐ. Tuy nhiên, các nhà làm luật cũng cần lưu ý đến việc đảm bảo cân bằng lợi ích giữa NSDLĐ và NLĐ, tránh việc lạm dụng hoặc vi phạm từ NLĐ.



[1] Chương VII Bộ luật Lao động.

[2] Điều 107 Bộ luật Lao động.

Vì Sao Hộ Kinh Doanh Cá Thể Chưa Muốn Chuyển Đổi Thành Doanh Nghiệp?

  Vì Sao Hộ Kinh Doanh Cá Thể Chưa Muốn Chuyển Đổi Thành Doanh Nghiệp? (Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phuoc & Partners) Tr...