Doanh nghiệp xã hội: Chơi sang hay
chơi khôn?
(Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phuoc & Partners)
Trong làn sóng chuyển đổi toàn cầu hướng tới phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm, Doanh nghiệp xã hội (Social enterprise) đang nổi lên như là một mô hình “lai” hấp dẫn giữa hai thế giới đó là tạo ra giá trị kinh tế và đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội. Ở Việt Nam, dù khái niệm này còn khá mới mẻ, nhưng các mô hình tiên phong như KOTO (1999), Dao’s Care (2016), hay Imagtor (2016) đã bước đầu cho thấy sức sống và tiềm năng phát triển của một hướng đi khác biệt đó là làm kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì một mục tiêu rộng lớn và bền vững hơn – đó là con người và cộng đồng. Câu hỏi đặt ra ở đây là chọn làm Doanh nghiệp xã hội là “chơi sang” theo xu hướng thời thượng, hay thực chất là một chiến lược “Chơi khôn” trong thời đại mà đạo đức doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội ngày càng trở thành yếu tố định vị thương hiệu?
Về bản chất,
Doanh nghiệp xã hội không phải là một doanh nghiệp từ thiện khoác áo thương mại.
Đây thật ra là những tổ chức kinh doanh thực thụ, hoạt động trên thị trường như
bất kỳ doanh nghiệp nào khác, nhưng thay vì chỉ theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi
nhuận cho cổ đông hay thành viên góp vốn, họ sử dụng phần lớn lợi nhuận có được
(ít nhất 51% theo tiêu chuẩn quốc tế và Luật Doanh nghiệp Việt Nam) để tái đầu
tư vào các sứ mệnh xã hội hoặc môi trường. Các hoạt động này có thể rất đa dạng
từ việc đào tạo nghề cho các nhóm yếu thế, tạo việc làm cho người khuyết tật, bảo
tồn văn hóa bản địa, thúc đẩy tiêu dùng xanh hoặc hỗ trợ phát triển cộng đồng
vùng sâu, vùng xa. Quan trọng hơn cả, giải pháp xã hội sẽ không tách rời khỏi
chiến lược kinh doanh của họ, mà sẽ được tích hợp vào mô hình vận hành, trở
thành một phần cốt lõi của giá trị doanh nghiệp.
Các doanh
nghiệp như KOTO đã tuyển chọn và đào tạo nghề cho những thanh thiếu niên gặp
khó khăn, rồi đưa họ vào các vị trí đầu bếp, phục vụ trong chính các nhà hàng của
doanh nghiệp này. Còn Dao’s Care thì khai thác dược liệu bản địa từ vùng cao,
giúp người dân ờ đây trồng cây thuốc có đầu ra ổn định và giá bán công bằng.
Trong khi đó, Imagtor lại tuyển dụng những người khiếm thính và người khuyết tật
làm thiết kế và xử lý ảnh cho khách hàng quốc tế. Những mô hình đó cho thấy rằng
Doanh nghiệp xã hội không phải là một lựa chọn "mềm yếu" hay hy sinh
hiệu quả tài chính, mà hoàn toàn có thể phát triển bền vững nếu được thiết kế
thông minh và vận hành hiệu quả.
Tuy nhiên,
hành lang pháp lý dành cho Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam còn rất sơ khai. Dù
Luật Doanh nghiệp 2020 có dành một điều riêng cho loại hình doanh nghiệp này
(Điều 10), nhưng trên thực tế, việc đăng ký Doanh nghiệp xã hội lại không có mã
số hay loại hình pháp lý riêng. Doanh nghiệp phải tự chọn loại hình công ty trách
nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc hợp tác xã như các doanh nghiệp thông thường,
rồi chỉ “cam kết” bằng văn bản với cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh là mình
sẽ thực hiện các mục tiêu xã hội. Cam kết đó nói chung không được công khai,
cũng không có cơ chế giám sát, đánh giá hoặc ghi nhận trên giấy đăng ký kinh
doanh. Kết quả là thị trường khó có thể nhận diện được ai là Doanh nghiệp xã hội
thực thụ, ai đang “tô hồng thương hiệu” dưới danh nghĩa CSR mở rộng. Trong khi
đó, ở các nước phát triển như Anh – nơi khai sinh ra Doanh nghiệp xã hội (với
mô hình công ty vì lợi ích cộng đồng “CIC – Community Interest Company”),
Hàn Quốc, Singapore hay Canada, Doanh nghiệp xã hội đều có khung pháp lý riêng,
tiêu chuẩn báo cáo tác động xã hội định kỳ, cơ chế kiểm soát lợi nhuận và ưu
đãi thuế rõ ràng. Do đó, sự thiếu minh bạch về mặt pháp lý đang là rào cản lớn
khiến các Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam khó phát triển đúng tầm.
Cũng chính
vì thiếu công cụ pháp lý nhận diện chính thức như trên, một số doanh nghiệp đã
chủ động đưa cụm từ “Doanh nghiệp xã hội” vào tên đăng ký hoặc tên thương hiệu
của mình. Dù không bắt buộc, điều này vừa là một cam kết công khai, vừa là chiến
lược thương hiệu giúp định vị rõ ràng với người tiêu dùng và đối tác. Việc ghi
rõ “Doanh nghiệp xã hội” trong tên gọi cũng khiến khách hàng có lý do để tin tưởng,
đồng thời giúp Doanh nghiệp xã hội tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn quốc
tế, quỹ hỗ trợ phát triển hoặc các chương trình đấu thầu công ích có tiêu chí
xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra một trách nhiệm ngược là nếu như Doanh
nghiệp xã hội không thực thi đúng cam kết, hoặc chỉ dùng danh xưng như một công
cụ tiếp thị, niềm tin sẽ sụp đổ nhanh chóng – đặc biệt trong môi trường ngày
càng đề cao minh bạch và trách nhiệm xã hội.
Một trong
những thách thức lớn nhất với Doanh nghiệp xã hội là vấn đề tài chính. Do không
cam kết tối đa hóa lợi nhuận, các doanh nghiệp này thường khó tiếp cận vốn từ
ngân hàng hoặc nhà đầu tư truyền thống. Trong khi đó, hệ sinh thái “impact
investment” – vốn đầu tư vì tác động xã hội – ở Việt Nam vẫn chưa được phát triển
một cách đầy đủ. Các Doanh nghiệp xã hội hiện tại chủ yếu chỉ dựa vào tài trợ từ
các tổ chức quốc tế, hoặc từ các nguồn vốn thiện nguyện, thiếu tính bền vững và
khó mở rộng quy mô. Việc duy trì mô hình mà không được sự hỗ trợ chính sách, ưu
đãi thuế riêng biệt hoặc tiếp cận ưu đãi tín dụng khiến nhiều Doanh nghiệp xã hội
phải “vật lộn” để tồn tại qua từng quý tài chính, chứ chưa nói đến việc đầu tư
dài hạn.
Ngoài vốn,
yếu tố nhân sự cũng là một rào cản. Vận hành một Doanh nghiệp xã hội đòi hỏi đội
ngũ nhân sự phải có kiến thức liên ngành là vừa hiểu quản trị, tài chính, tiếp
thị, vừa có năng lực về phát triển cộng đồng, đánh giá tác động xã hội, tâm lý
hành vi hoặc môi trường. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện chưa có
chuyên ngành đào tạo bài bản về lĩnh vực này dù có một số trường đại học đã có
các chương trình, khoa hoặc môn học liên quan đến lĩnh vực này, thường là trong
các ngành như kinh doanh, quản lý, và công tác xã hội. Do đó, phần lớn những
người sáng lập Doanh nghiệp xã hội đa phần phải tự học, tự làm và chấp nhận thất
bại để tích lũy kinh nghiệm. Sự thiếu hụt đội ngũ kế thừa, đặc biệt ở cấp quản
lý, cũng khiến mô hình khó mở rộng và nhân rộng bền vững.
Ở góc độ
thị trường, Doanh nghiệp xã hội đang hoạt động trong một môi trường chưa thực sự
khuyến khích việc tiêu dùng có trách nhiệm. Người tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn
ưu tiên yếu tố giá cả, thương hiệu, tiện lợi hơn là các câu chuyện về tác động
xã hội đằng sau mỗi sản phẩm, dịch vụ. Việc sẵn sàng trả giá cao hơn cho một sản
phẩm hay dịch vụ giúp bảo tồn văn hóa hoặc hỗ trợ người yếu thế vẫn chưa trở nên
là lựa chọn phổ biến. Ngược lại, khách hàng và đối tác quốc tế, đặc biệt trong
các lĩnh vực xuất khẩu, dịch vụ sáng tạo và công nghệ xanh, ngày càng đặt ra
tiêu chí về ESG (môi trường – xã hội – quản trị) và ưu tiên các tổ chức có báo
cáo tác động xã hội rõ ràng. Đây chính là không gian để các Doanh nghiệp xã hội
ở Việt Nam phát triển nếu biết cách đo lường, minh chứng và truyền thông hiệu
quả giá trị mà họ đang tạo ra.
Chính
trong bối cảnh nhiều rào cản đó, Doanh nghiệp xã hội lại sở hữu một lợi thế vô
hình cực kỳ đáng giá đó là niềm tin. Trong một thời đại mà niềm tin được xem là
đơn vị tiền tệ mới của kinh doanh, việc doanh nghiệp có thể xây dựng uy tín của
mình trên nền tảng sứ mệnh xã hội sẽ giúp họ gắn kết hơn với khách hàng, giữ
chân nhân sự giỏi và dễ tiếp cận mạng lưới hỗ trợ quốc tế. Những mô hình như KOTO,
Dao’s Care hay Imagtor đều cho thấy khi doanh nghiệp thực sự mang lại giá trị
xã hội và sống đúng với cam kết của mình, họ không chỉ tồn tại mà còn có thể
tăng trưởng bền vững, mở rộng phạm vi hoạt động, thậm chí nhân bản mô hình sang
các tỉnh, thành khác.
Để Doanh
nghiệp xã hội không chỉ là một phong trào ngắn hạn mà trở thành một trụ cột của
nền kinh tế sáng tạo và nhân văn, cần có các điều kiện hỗ trợ mang tính hệ thống.
Trước tiên là một khuôn khổ pháp lý chính thức – với loại hình riêng, tiêu chuẩn
cam kết xã hội, giám sát độc lập và các ưu đãi thuế tương ứng. Thứ hai là hình
thành các quỹ hỗ trợ tác động – nơi Nhà nước, tư nhân và các tổ chức phi lợi
nhuận có thể cùng rót vốn vào các dự án tạo ra các tác động xã hội rõ ràng. Thứ
ba là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho mô hình này, thông
qua các chương trình đại học, sau đại học hoặc đào tạo nghề tích hợp kiến thức
kinh doanh và phát triển. Cuối cùng, cần có một chiến lược truyền thông quốc
gia thúc đẩy văn hóa tiêu dùng có trách nhiệm – nơi người dân không chỉ mua sản
phẩm hay dịch vụ vì giá rẻ, mà còn vì những giá trị bền vững đằng sau mỗi món
hàng.
Tóm lại, Doanh
nghiệp xã hội không phải là lựa chọn “sang chảnh” dành cho những ai thích làm đẹp
hồ sơ hay nhận tài trợ. Đó là chiến lược “chơi khôn” trong thời đại mà giá trị
thương hiệu luôn gắn chặt với đạo đức, và sự tăng trưởng lâu dài phụ thuộc vào
việc doanh nghiệp có đóng góp thực sự cho xã hội hay không. Nếu được hỗ trợ
đúng cách, Doanh nghiệp xã hội có thể trở thành một mô hình doanh nghiệp lý tưởng
của thế hệ lãnh đạo mới đó là vừa thực tế, vừa trách nhiệm, vừa sáng tạo, vừa
có tầm nhìn vượt thời gian.