(Nguyễn Quỳnh Thơ & Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Phuoc & Partners)
Gần đây, xu hướng giảm thời gian làm việc nhưng không giảm lương đang được quan tâm nhiều hơn trên phạm vi toàn cầu và là một trong những mục tiêu được nhiều quốc gia hướng đến. Để đánh giá xu hướng này có khả thi ở Việt Nam hay không, chúng ta thử phân tích từ góc độ pháp luật và góc độ của doanh nghiệp trên cơ sở giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quyền lợi của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Việc giảm số ngày làm việc trong tuần là điều mà người lao động mong muốn nhất và là mục tiêu mà nhiều chính phủ đang nỗ lực hướng tới nhằm nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của người lao động. Đặc biệt, sau giai đoạn bùng phát Đại dịch Covid -19, những áp lực về kinh tế và khủng hoảng do Đại dịch Covid -19 gây ra đã khiến nhiều người kiệt quệ về sức khỏe và tinh thần khi quay trở lại làm việc. Nhu cầu thiết thân của người lao động hiện nay là Nhà nước cũng như các chủ doanh nghiệp cải thiện các chính sách việc làm để giúp họ có thêm thời gian phục hồi sức lao động và cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Từ đầu tháng 6/2022, hơn 70 tổ chức và doanh nghiệp tại Anh đã tham gia thí điểm mô hình mỗi tuần làm việc chỉ 4 ngày nhưng vẫn trả lương cho nhân viên như làm việc 5 ngày/tuần, thời gian thử nghiệm trong vòng 6 tháng. Kết quả khảo sát đã cho thấy có đến 88% trong hơn 3.300 nhân viên tham gia thí điểm đều nhất trí rằng mô hình làm việc 4 ngày/tuần sẽ giúp cho người lao động cân bằng cuộc sống tốt hơn cả về thể chất và tinh thần, trong khi năng suất kinh doanh vẫn được cải thiện đáng kể so với mô hình làm việc truyền thống (theo VTV News ngày 21/9/2022). Ở khu vực Châu Á, nơi có số giờ làm việc trong tuần cao nhất thế giới, mô hình trên cũng đang dần dần được áp dụng tại nhiều tập đoàn lớn ví dụ như New World Development (Hong Kong), Hitachi (Nhật Bản), PropertyGuru (Malaysia) với các chương trình như “Tương lai việc làm”, “Tuần làm việc nén”.
Tại Việt Nam, xét về mặt xã hội, giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc số giờ làm việc trong ngày đương nhiên sẽ giảm bớt căng thẳng và mệt mỏi cũng như giúp tăng thời gian nghỉ ngơi của người lao động. Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, Việt Nam hiện có thành phần lao động thủ công là phổ biến, do đó, hiện tại thời giờ làm việc bình thường của người lao động Việt Nam đang thuộc vào nhóm cao trên thế giới và việc áp dụng mô hình làm việc 4 ngày/tuần nên được đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Xét trên góc độ pháp luật
Hiện nay, Bộ luật lao động 2019 quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động là không quá 08 giờ/ngày nếu làm việc theo ngày, không quá 10 giờ/ngày nếu làm việc theo tuần và tổng số giờ làm việc bình thường trong một tuần sẽ không được quá 48 giờ. Theo đó, pháp luật về lao động cho phép người sử dụng lao động có thể linh hoạt trong việc quy định thời gian làm việc 5 ngày/ tuần với 9 giờ/ ngày hoặc 6 ngày/ tuần với 8 giờ/ ngày mà không vượt quá thời giờ làm việc bình thường tối đa trong tuần.
Vấn đề đặt ra ở đây là khi giảm thời gian làm việc trong tuần xuống còn 4 ngày/tuần thì người sử dụng lao động có thể tăng thời giờ làm việc bình thường trong ngày hay không? Thực tế cho thấy, nếu giảm số ngày làm việc trong tuần, người lao động có thể phải tăng thời giờ làm việc trong ngày để đảm bảo hiệu suất và tiến độ công việc. Theo quy định của Bộ luật lao động, tổng thời giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm sẽ không được vượt quá 12 giờ/ngày. Nếu người lao động làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường thì số giờ làm việc vượt quá sẽ được tính là thời gian làm thêm giờ và người sử dụng lao động sẽ phải chi trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động.
Như vậy, trong khi vẫn chưa đủ căn cứ để đánh giá liệu rằng 01 tuần làm việc 4 ngày và giữ nguyên lương có hiệu quả tại Việt Nam hay không thì gánh nặng về tiền lương làm thêm giờ và nguy cơ giảm hiệu suất kinh doanh có thể khiến nhiều người sử dụng lao động e ngại và chùn bước khi áp dụng mô hình làm việc này.
Xét trên góc nhìn của doanh nghiệp
Mối quan hệ lao động là mối quan hệ bình đẳng, được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu thuê mướn, sử dụng lao động và có trả lương. Nếu một bên có thêm nhiều quyền lợi hơn thì sẽ đồng nghĩa với việc bên còn lại có thể phát sinh thêm nghĩa vụ và điều này sẽ dễ dẫn đến sự mất cân bằng trong mối quan hệ lao động. Đứng ở góc độ của chủ doanh nghiệp, bên cạnh việc đảm bảo chế độ phúc lợi và sức khỏe cho người lao động theo quy định của pháp luật thì điều kiện để giảm số ngày làm việc trong tuần và giữ nguyên lương là năng suất lao động vẫn phải đáp ứng được nhu cầu hoạt động kinh doanh bình thường và đảm bảo doanh thu và chi phí.
Nói chung, năng suất lao động trước hết phụ thuộc vào mức độ hiệu quả của việc sử dụng lao động kết hợp với các yếu tố sản xuất khác ví dụ như máy móc và công nghệ, số lượng máy móc và công nghệ mà một người lao động của quốc gia đó được sử dụng. Tại Việt Nam, năng suất lao động nhìn chung chưa cao bởi vì nền kinh tế của chúng ta chủ yếu vẫn dựa vào các ngành nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu trẻ nhưng chất lượng còn yếu nếu so với nhiều nước trong khu vực Châu Á ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Do vậy, từ góc độ của người sử dụng lao động, việc giảm thời gian làm việc còn 4 ngày/tuần mà vẫn giữ nguyên lương sẽ khiến cho năng suất và hiệu quả kinh doanh bị giảm cùng với khả năng tăng chi phí do phải chi trả thêm tiền lương làm thêm giờ cho người lao động.
Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn từ mô hình làm việc 4 ngày/tuần đối với sức khỏe, tinh thần và cuộc sống của người lao động, tuy nhiên cần phát triển mô hình này sao cho phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của từng quốc gia nhằm giảm thiểu mặt hại và tối đa hóa lợi ích của nó. Bên cạnh đó, thực trạng mất cân bằng trong lực lượng lao động giữa các ngành, nghề là yếu tố quan trọng cần phải được xem xét để đưa ra phương án giảm thời gian làm việc khả thi đối với từng nhóm ngành, nghề khác nhau trong nền kinh tế.
Đề xuất
Có thể nói rằng việc giảm thời gian làm việc nhưng vẫn giữ nguyên lương có thể được xem là giải pháp hữu ích giúp cải thiện chế độ phúc lợi cho người lao động, tạo động lực cho người lao động làm việc có hiệu quả hơn. Như vậy, để các bên cùng đạt được lợi ích từ mô hình làm việc mới theo xu thế của thế giới này, khi người sử dụng lao động áp dụng thời gian làm việc 4 ngày/tuần, người lao động cũng cần thể hiện những hiệu quả tích cực đến doanh nghiệp ví dụ như tối ưu hóa thời gian làm việc trong 4 ngày, đảm bảo hiệu suất làm việc và hiệu quả công việc. Điều này cũng giúp người lao động không ở trong vị thế phải “mang ơn” người sử dụng lao động, khẳng định giá trị lao động của bản thân phù hợp với thời gian làm việc ngắn hơn và thời gian nghỉ ngơi dài hơn.
Một phương án cũng nên được xem xét để giải quyết nỗi lo giảm số ngày làm việc sẽ làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp chính là việc người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tuần làm việc 4 ngày, trong đó mỗi ngày làm việc sẽ gồm 8 giờ làm việc tại văn phòng và 2 giờ làm việc ở nhà hoặc 6 giờ làm việc tại văn phòng và 4 giờ làm việc ở nhà. Tùy thuộc vào nhu cầu của người lao động và đặc điểm của từng ngành nghề, tính chất hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, các bên có thể linh hoạt thỏa thuận các phương pháp thay thế thời gian làm việc thông thường mà vẫn đảm bảo số giờ làm việc trong tuần và hiệu suất công việc của người lao động.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang trên đà phục hồi hoạt động kinh doanh sau Đại dịch Covid-19, việc tăng lương có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của người lao động nhưng đồng thời cũng tạo áp lực lên quỹ tiền lương và chi phí của doanh nghiệp. Thay vì chỉ tập trung tăng lương để giữ chân người lao động, người sử dụng lao động có thể đề ra kế hoạch tăng lương dần dần kết hợp với phúc lợi làm việc 4 ngày/tuần mà vẫn giữ nguyên lương như một giải pháp hài hòa cho các bên, ổn định mối quan hệ lao động, thu hút nguồn lao động chất lượng cao.
Kết luận
Mặc dù mô hình làm việc 4 ngày/tuần vẫn chưa thật sự hoàn thiện ở thời điểm này, tuy nhiên với xu hướng giảm thời gian làm việc, tăng năng suất lao động đang ngày càng phát triển trên thế giới, các nhà tuyển dụng Việt Nam cần sớm đặt ra mục tiêu cải thiện thời gian làm việc hiệu quả và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, tạo lợi thế cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài. Muốn đạt được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam cần có cách quản trị thông minh và linh động, đồng thời tìm cách tăng thời gian lao động máy móc thay cho lao động thủ công bằng cách ứng dụng khoa học, công nghệ, đặt biệt là trí tuệ nhân tạo trong quy trình sản xuất và cung cấp dịch vụ.
Về phía người lao động, nên loại bỏ khái niệm “nghề ngon ăn” với thời gian làm việc thì ngắn mà tiền lương lại cao và chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của mình để đạt năng suất lao động cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp dù thời gian làm việc có ngắn hơn. Về phía Nhà nước, bên cạnh việc cải thiện các chế độ phúc lợi xã hội, thì cần đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo chuyên sâu để nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, tăng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao cũng như điều chỉnh các quy định của pháp luật lao động có liên quan trong thời gian tới để mau chóng đưa xu thế mới này vào áp dụng trong thực tiễn.