Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

“Bán Chui” Cổ Phiếu: Thả Con Săn Sắt, Bắt Con Cá Rô

 

“Bán Chui” Cổ Phiếu: Thả Con Săn Sắt, Bắt Con Cá Rô 

Trần Thị Hương, Lê Thị Minh Thư & Luật sư Nguyễn Hữu Phước 

Từ trước tới nay, nhiều người vẫn đồn đãi về việc giá giao dịch của nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không theo cơ chế thị trường và theo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mà bị các đại gia chứng khoán thao túng. Việc thao túng giá cổ phiếu để trục lợi và “mua bán chui” cổ phiếu (mua bán cổ phiếu mà không công bố thông tin theo quy định của pháp luật) rất phổ biến. Nếu như việc thao túng giá cổ phiếu khó bị phát hiện thì việc mua bán chui có thể bị phát hiện dễ dàng. Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính cho các hành vi này khá thấp nên các hành vi này vẫn tiếp tục diễn ra. Gần đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có một động thái chưa từng có tiền lệ để góp phần ngăn ngừa các hành vi này, đó là huỷ giao dịch cổ phiếu của một người nội bộ của một công ty vì người này đã bán cổ phiếu với số lượng khủng mà không công bố thông tin theo quy định của pháp luật. Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ phân tích khía cạnh pháp lý của giao dịch, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật và việc huỷ giao dịch này.

Giao dịch cổ phiếu của người nội bộ theo quy định của pháp luật

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người nội bộ là người giữ vị trí quan trọng trong bộ máy quản trị, điều hành của doanh nghiệp, quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng[1], chẳng hạn như Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng thành viên, người đại diện theo pháp luật,… Họ thường là những người nắm giữ số lượng cổ phiếu lớn của một doanh nghiệp nào đó và là người nắm giữ các thông tin liên quan đến hoạt động cũng như chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Khi một người nội bộ thực hiện giao dịch với số lượng lớn cổ phiếu, việc này sẽ làm ảnh hưởng đến giá thị trường của cổ phiếu đó và có thể làm ảnh hưởng lớn đến toàn thị trường. Nguyên nhân là bởi vì người nội bộ nắm được những thông tin nội bộ quan trọng của doanh nghiệp và do đó sẽ có lợi thế hơn so với những nhà đầu tư bên ngoài khác. Quyết định mua vào của họ sẽ khiến các nhà đầu tư tin vào tiềm năng phát triển lâu dài của doanh nghiệp và ngược lại, khi họ quyết định bán ra, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ đặt nghi vấn liệu rằng doanh nghiệp này có đang đối mặt với một biến cố nào đó sắp tới hay không.  

Vì vậy, pháp luật yêu cầu người nội bộ phải công bố thông tin, báo cáo cho Sở giao dịch chứng khoán và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trước và sau khi thực hiện giao dịch[2] đối với cổ phiếu của doanh nghiệp mà họ là người nội bộ. Đối với việc công bố thông tin trước giao dịch, thời gian quy định tối thiểu 03 ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch. Việc người nội bộ mua hoặc bán cổ phiếu mà không tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin sẽ bị xem là vi phạm pháp luật.

Chế tài nào cho việc không công bố thông tin và thao túng thị trường chứng khoán?

-        Từ góc độ pháp luật xử lý vi phạm hành chính,

 

·       Người nào có hành vi vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin thì có thể bị phạt tiền tương đương với 5% giá trị đăng ký giao dịch nhưng không quá 1,5 tỷ đồng nếu đăng ký giao dịch mua bán cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu,... có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên[3]. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể phải chịu hình thức xử phạt bổ sung đó là đình chỉ giao dịch chứng khoán trong thời hạn từ 03 tháng đến 05 tháng nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên. Như vậy, cho dù giá trị giao dịch có khủng tới mức nào thì mức phạt vẫn bị hạn chế ở 1,5 tỷ đồng, mà theo ý kiến của nhiều người thì mức này không là gì so thu nhập từ các giao dịch khủng của các đại gia chứng khoán.

 

·       Đối với vi phạm thao túng thị trường chứng khoán, mức phạt tiền là 10 lần khoản thu trái pháp luật[4]

-        Từ góc độ pháp luật hình sự, vi phạm không công bố thông tin, mặc dù có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng nhưng pháp luật hình sự không xem là tội phạm. Chỉ có vi phạm thao túng thị trường chứng khoán mới có thể bị xem xét xử lý về mặt hình sự.

Về tội “thao túng thị trường chứng khoán”, người nào thực hiện một trong các hành vi dưới đây để thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng: (i) sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình… liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; hoặc (ii) thông đồng với người khác để đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán… nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; (iii) liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; (iv) sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán[5]. 

Trên thực tế, không ít “cá mập” đã thực hiện hành vi thổi giá cổ phiếu lên cao để chớp lấy cơ hội bán ra số lượng lớn và thu lợi nhuận khủng. Đơn cử như giao dịch bán cổ phiếu đình đám vừa bị HOSE huỷ gần đây vì người bán cổ phiếu là người nội bộ mà không công bố thông tin theo quy định của pháp luật, thông qua biểu đồ về giá chứng khoán trên trang web finance.vietstock.vn, có thể thấy rằng sự tăng trưởng của giá cổ phiếu này trước giao dịch khủng mà không công bố thông tin hết sức bất thường, cụ thể là giá cổ phiếu này đã tăng hơn 2 lần trong 2 tháng gần nhất và tăng kịch trần vào đúng ngày diễn ra giao dịch bị huỷ giao, trong khi giá của cổ phiếu này trong 4 tháng trước đó rất ổn định. Do đó, cơ quan Nhà nước hoàn toàn có cơ sở để tiến hành điều tra các dấu hiệu bất thường này để xem có hành vi phạm tội hay không và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Chế tài có thực sự đủ nghiêm khắc?

Mức xử phạt hành chính cho hành vi không công bố thông tin như trên được nhiều người nhận xét là quá thấp, đặc biệt là khi mức phạt còn bị khống chế ở mức 1,5 tỷ đồng, bất chấp giá trị giao dịch khủng đến mức nào. Còn việc truy cứu trách nhiệm hình sự, theo tìm hiểu của chúng tôi, rất ít trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thao túng thị trường chứng khoán (mặc dù hành vi này lại khá phổ biến gần đây).

Trên thực tế, có khá nhiều những ông lớn trong làng chứng khoán cũng sẵn sàng “thả con săn sắt, bắt con cá rô”, chấp nhận nộp số tiền phạt bèo bọt để được số lợi nhuận khủng mà việc “bán chui” đem lại. Nhiều ông lớn trong làng chứng khoán cũng đã bị UBCKNN xử phạt vì hành vi này. Vào cuối năm 2020, Ông Phạm Hoành Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Cao su Sao Vàng cũng đã thực hiện lệnh mua hàng triệu cổ phiếu nhưng không báo cáo về giao dịch này cho UBCKNN. Ước tính lãi của giao dịch này lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng số tiền xử phạt hành chính đối với người này chỉ vỏn vẹn là hơn một trăm triệu đồng. Như vậy, những nhân vật “tay to” này chẳng ngại chi mà không “liều để ăn nhiều” bởi phí phạt này chỉ đủ “gãi ngứa” so với số lợi nhuận được bỏ túi.

Tuy nhiên, “liều” không phải lúc này cũng được “ăn nhiều”, chẳng hạn như trường hợp liều không công bố thông tin và bị HOSE huỷ giao dịch vừa rồi. Không chỉ bị huỷ giao dịch, người vi phạm còn có thể bị phong tỏa các tài khoản chứng khoán, uy tín trên thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giá cổ phiếu của công ty bị sụt giảm… Nếu các sàn giao dịch áp dụng biện pháp tương tự với các giao dịch vi phạm pháp luật nghĩa vụ công bố thông tin, chúng ta có cơ sở để hy vọng việc mua bán chui này sẽ được giảm bớt, các ông lớn từ đó cũng hạn chế hoặc thậm chí sẽ không có hành vi bán chui cổ phiếu nữa vì lo sợ những hậu quả tương tự sẽ rơi vào trường hợp của mình. Tuy nhiên, việc huỷ giao dịch này có đúng với quy định của pháp luật hay không?

Cơ sở pháp lý nào cho việc hủy giao dịch?

Khác với mọi lần, có thể thấy rằng UBCKNN đã có các biện pháp mạnh tay hơn trong lần sai phạm thứ hai này của vị chủ tịch HĐQT này  khi ra quyết định yêu cầu HOSE hủy bỏ toàn bộ giao dịch, đồng thời phong tỏa tài khoản giao dịch chứng khoán của người vi phạm. Sau khi HOSE tiến hành rà soát, hiện nay, một số nhà đầu tư mua đối ứng lệnh bán ra từ tài khoản của vị chủ tịch HĐQT này đã được trả lại tiền.

Theo lãnh đạo của UBCKNN, quyết định hủy giao dịch của vị chủ tịch HĐQT này là chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Biện pháp này phần nào thể hiện được sự vào cuộc kịp thời của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo sự lành mạnh và tính minh bạch của thị trường. Xét về khía cạnh thực tế, biện pháp khẩn cấp này rất hiệu quả vì có thể khắc phục kịp thời phần nào hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật. Quyền hủy giao dịch liên quan đến những cổ phiếu bị “bán chui” này được quy định tại Điều 22 của Quy chế giao dịch chứng khoán tại HOSE được ban hành theo Quyết định số 352/QĐ-SGDHCM của Tổng Giám đốc HOSE[6]. Quy chế này có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?

Quy chế này được ban hành ngày 30/6/2021 và vào thời điểm này, HOSE vẫn được phép tiếp tục tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2006 (hết hiệu lực từ ngày 01/01/2021) cho đến khi Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019. Theo khoản 3, Điều 37, Luật Chứng khoán năm 2006, HOSE có quyền “tạm ngừng, đình chỉ hoặc hủy bỏ giao dịch chứng khoán theo Quy chế Giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán trong trường hợp cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư”, tức là Quy chế giao dịch chứng khoán tại HOSE phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ban hành. Tuy nhiên, hiện nay, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam đã chính thức hoạt động từ ngày 11/12/2021[7] và HOSE đã trở thành công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Hoạt động của HOSE hiện nay sẽ theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019. Tuy nhiên, hiện chúng tôi chưa tìm thấy văn bản pháp lý nào được ban hành theo Luật chứng khoán năm 2019 có quy định cho phép HOSE được huỷ bỏ giao dịch chứng khoán. Chúng tôi cũng chưa tìm được cơ sở để xác định Quy chế giao dịch chứng khoán tại HOSE nêu trên còn hiệu lực hay không.

Như vậy, vào thời điểm huỷ giao dịch là tháng 1 năm 2022, có thể nói rằng chưa tìm thấy cơ sở pháp lý rõ ràng để khẳng định rằng việc HOSE huỷ giao dịch cổ phiếu vi phạm quy định về công bố thông tin là có phù hợp với quy định của pháp luật hay không, và người bị huỷ giao dịch có quyền khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại do việc huỷ giao dịch này hay không. Nói cho công bằng, đây là giao dịch giữa người vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin và các nhà đầu tư, được xác lập trên tinh thần tự nguyện. Việc không công bố thông tin không nằm trong số các hành vi bị cấm theo Điều 12 Luật chứng khoán năm 2019. Ngay cả khi đó là hành vi bị cấm thì giao dịch giữa vị chủ tịch HĐQT này và các nhà đầu tư chỉ có thể bị xem là vô hiệu khi có phán quyết của toà án.

Kết luận

Cùng với sự bùng nổ và tăng trưởng ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm qua, thiết nghĩ các nhà làm luật cần có sự cập nhật lại quy định hiện hành để bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ và đảm bảo sự công khai, minh bạch tại thị trường. Thứ nhất, mức phạt đối với hành vi “bán chui” này cần được tăng mạnh và không hạn chế trong mức 1,5 tỷ đồng, đồng thời cũng cần có khung hình phạt tăng nặng nếu hành vi được thực hiện nhiều lần. Bên cạnh đó, các nhà làm luật cũng nên cân nhắc các hình thức xử phạt khác bên cạnh hình phạt tiền để răn đe mạnh những đối tượng trên. Thứ hai, các biện pháp khẩn cấp như hủy giao dịch cũng nên được quy định rõ ràng hơn. Ngoài ra, các cơ quan thi hành pháp luật cũng cần có các biện pháp để bảo đảm các quy định của pháp luật được áp dụng hiệu quả trên thực tế, đặc biệt là việc truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi phạm tội trong lĩnh vực chứng khoán, và tăng cường giám sát để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường chứng khoán. Chỉ khi như vậy, thị trường chứng khoán mới trở nên lành mạnh và minh bạch hơn, các nhà đầu tư cũng yên tâm hơn để dồn tài sản của mình vào kênh đầu tư này.



[1] Điều 4.45 Luật Chứng khoán 2019

[2] Điều 128 Luật Chứng khoán 2019 và Điều 33 của Thông tư 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính

[3] Điều 33.5 Nghị định 156/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 128/2021/NĐ-CP

[4] Điều 36.5 Nghị định 156/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 128/2021/NĐ-CP

[5] Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017

[6] Điều 22 Quy chế giao dịch chứng khoán tại HOSE: “Trong trường hợp giao dịch đã được xác lập vi phạm quy định giao dịch hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư hoặc toàn bộ giao dịch trên thị trường, SGDCK có thể công nhận hoặc hủy bỏ giao dịch sau khi báo cáo UBCKNN”.

Làm Sao Để Thưởng Tết 2025 Được Tính Vào Chi Phí Hợp Lý? Bí Quyết Doanh Nghiệp Không Thể Bỏ Qua!

Luật sư Nguyễn Hữu Phước - Công ty luật Phuoc & Partners Tết Và Tập Tục “Thưởng Tết” hay "Tháng Lương Thứ 13" Tết đến xuân...